Thứ 6, 22/11/2024, 10:58[GMT+7]

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục ở ngưỡng có hại

Thứ 2, 30/09/2019 | 07:55:33
774 lượt xem
Chất lượng không khí tại nhiều nơi ở Hà Nội lên ngưỡng rất hại cho sức khỏe, chuyên gia khuyên người dân không nên thể dục buổi sáng và hạn chế ra ngoài.

Chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng tím, ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người.

Trang Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ cho thấy, vào lúc 19h55' ngày 29/9, thời điểm được cho là không khí bớt ô nhiễm, trên Air Visual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu, chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội vẫn đứng đầu thế giới là 172. Chỉ số này xếp trên một số thành phố của Trung Quốc như Thẩm Dương, Thâm Quyến và Thủ đô Kakarta của Indonesia. 

Cũng theo thống kê trên trang này, chiều tối 28/9 và rạng sáng 29/9, AQI của Hà Nội chạm ngưỡng tím. AQI cao nhất đo được tại thủ đô những ngày qua thuộc khu vực Bắc Từ Liêm. 

Như vậy, sau nhiều ngày chất lượng không khí ở mức đỏ - mức ảnh hưởng tới sức khỏe con người thì nay AQI tại Hà Nội lên trên 200 – ngưỡng tím, mức có hại cho sức khỏe con người; cảnh báo người dân không nên ra ngoài.

Không chỉ Hà Nội, một số thành phố khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ cũng nằm trong ngưỡng này, như huyện Thái Thụy, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình (AQI = 245) và Kiến An của Hải Phòng (AQI>200).

Chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng tím, ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ làm việc tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, không khí ở Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ thường ô nhiễm nhất vào sáng sớm. 

Sáng sớm, lẫn trong không khí là bụi tự nhiên, khí thải, bụi hữu cơ và bụi siêu mịn (PM10, PM2.5), khiến bầu trời luôn âm u, mù mịt như có sương mù khiến nhiều người dân tỏ ra lo ngại cho sức khỏe của mình và người thân.

Vào chiều tối và đêm, thời điểm nhiều người tưởng không khí khả quan hơn nhưng chính là lúc không khí chịu ô nhiễm nặng nề. Chất lượng không khí chỉ được cải thiện từ cuối buổi sáng đến chiều.

Nguyên nhân, ngoài khói bụi, khí thải từ các phương tiện ô tô, xe máy, xe bus hay các công trường xây dựng, thì nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng ô nhiễm là tượng nghịch nhiệt và thói quen đốt than hay rơm rạ, lá khô của một số vùng.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân, cả người khỏe mạnh và người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp mạn tính nên hạn chế ra ngoài, nhất là những giờ cao điểm để bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, người Hà Nội và vùng bị ô nhiễm nên hạn chế tập thể dục buổi sáng, bởi quá trình tập thể dục khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa bụi mịn (PM2.5 và PM10), người dân khi ra ngoài cần tránh đến những nơi đông phương tiện qua lại, công trường đang thi công, giảm vận động mạnh và đeo khẩu trang chuyên dụng.

Trong nhà, bạn nên hạn chế mở cửa chính, cửa sổ, không đốt nhiều vàng mã, giấy và than tổ ong để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm. Sau khi từ bên ngoài về, bạn nên rửa sạch mặt, mũi, nhỏ nước rửa mắt, mũi để trôi sạch bụi bẩn. Bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng.

Thời điểm 19h55 hôm nay 29/9, Hà Nội vẫn là thành phố đầu về ô nhiễm không khí trên thế giới, theo trang Airvisual (Ảnh: Airvisual). 

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc những ngày qua luôn ở ngưỡng nguy hại cho sức khỏe. Theo Airvisual, từ 26/9 đến  29/9, chỉ số AQI của Hà Nội luôn đạt ngưỡng gần 200 (ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe mọi người).

Lần lượt các khu vực đều cho chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, như đường Tô Ngọc Vân - Tây Hồ (182), Bắc Từ Liêm (175), Thành Công (174), khu vực Hàng Đậu (174), Láng Hạ (179), Tây Mỗ (163) vào ngày 26 và 27/9, thì 2 ngày gần đây, AQI của Hà Nội thường trên 180. 

Có thời điểm Hà Nội đứng đầu về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204./.

Theo vov.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày