Chủ nhật, 24/11/2024, 15:07[GMT+7]

Doanh đầu Thụy Thú

Thứ 2, 30/09/2019 | 10:32:21
3,039 lượt xem
Trải qua ngàn năm lặng lẽ ẩn mình sau lũy tre xanh của xóm làng Lộc Thọ bình yên, nơi tiếp giáp của các dòng sông: Hồng, Trà Lý và Luộc quanh năm đỏ nặng phù sa. Cánh đồng Nội Phủ, Nội Quan và miếu Lộc Thọ nơi thờ Thiềm nương Quốc mẫu nhà Đinh vẫn là địa linh diễn ra nghi lễ tế Thần nông hàng năm của người dân làng Lộc Thọ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Hơn một ngàn năm qua, khu miếu mộ Quốc mẫu Đàm Hoàng Thái hậu làng Lộc Thọ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ.

Truyền ngôn cánh đồng Nội Phủ (trang Thụy Thú, xã Lộc Thọ, tổng Diên Hà) nay là thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà từng là nơi đóng quân của Đinh Bộ Lĩnh khi dẹp loạn 12 sứ quân, ngày nay còn lại dấu tích mờ ảo bức tường thành xưa bên cạnh là cánh đồng Nội Quan vốn là đại bản doanh của thuộc tướng Đinh Bộ Lĩnh. Hàng năm, lễ thượng điền (còn gọi là lễ té nước) vẫn được tổ chức trên hai cánh đồng này vào ngày 10 tháng 5 âm lịch và lễ hạ điền được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng. Tương truyền lễ té nước do Quốc mẫu Thiềm nương Đàm Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Đinh) và các tướng lĩnh nhà Đinh truyền lại cho dân làng...

Trải qua ngàn năm lặng lẽ ẩn mình sau lũy tre xanh của xóm làng Lộc Thọ bình yên, nơi tiếp giáp của các dòng sông: Hồng, Trà Lý và Luộc quanh năm đỏ nặng phù sa. Cánh đồng Nội Phủ, Nội Quan và miếu Lộc Thọ nơi thờ Thiềm nương Quốc mẫu nhà Đinh vẫn là địa linh diễn ra nghi lễ tế Thần nông hàng năm của người dân làng Lộc Thọ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trên cánh đồng thôn Lộc Thọ ngày nay còn nhiều gò đống đất cao tự nhiên mà nhân dân vẫn quen gọi là đường Tam Quan, đường Thổ Vương, đường Dộc Mồ, đường Chợ Thú, đường Con Sà... Tương truyền những con đường này là “hậu trấn” nối các khu vực gò cao với khu lăng miếu của Quốc mẫu nên được đặt tên theo những truyền thuyết khác nhau từ thời xa xưa đó.

Nghi lễ tế Thần nông hay còn gọi là lễ té nước mang đậm chất văn hóa dân gian được ghi chép trong thần phả miếu Lộc Thọ như sau: Lễ Thượng điền được tổ chức vào ngày 10 tháng 5 âm lịch và lễ tế Hạ điền được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm. Theo lễ nghi, làng chọn một thửa ruộng (gần đình và miếu) được cày bừa sẵn, nước đủ đầy. Thủ từ đình, miếu (phải là người đàn ông đức độ) trước đó vài tuần phải ăn chay, cách ly gia đình, trước ngày diễn ra lễ tế phải tắm giặt sạch sẽ. Sáng ngày mùng 10 tháng 5 thủ từ đình, miếu mặc áo lương, khăn xếp cùng dân làng vào đình làm lễ tế Thần nông, trong nghi lễ tế có đội tế Nam quan, Nữ quan, thủ từ quỳ lạy kính cẩn dâng tấu bài văn tế Thần nông. Sau khi làm lễ tế ở đình xong thủ từ cầm một bó mạ, trên vai vác một cây nêu bằng tre dài 5m cùng dân làng “cờ rong trống mở” đi theo thủ từ ra ruộng cấy lúa. Tới nơi thủ từ (tượng trưng cho Thần nông) cắm cành nêu ở giữa ruộng, một người dân dùng lọ nước đổ vào người thủ từ, sau đó thủ từ bắt đầu cấy, dân làng đứng xung quanh thi nhau té nước vào thủ từ. Theo quan niệm dân gian, dân làng té nước vào thủ từ, càng nhiều thì năm đó càng được mùa lớn. Sau khi cấy hết bó mạ thủ từ cùng dân làng trở về nhà thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ rồi tiếp tục ra đình dự lễ. Lễ tế còn có ca hát và các trò chơi dân gian khác. Sau lễ tế một ngày, hôm sau dân làng mới được ra đồng làm ruộng, cấy lúa. Theo thần phả, hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch dân làng Lộc Thọ tổ chức rước kiệu từ miếu Lộc Thọ và bát nhang thờ Quốc mẫu Thiềm nương ở miếu về đình để tiến hành nghi lễ tế lễ. Nghi lễ kéo dài đến chiều ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch (mùng 6 tết Nguyên đán) mới kết thúc. Trong thời gian diễn ra nghi lễ 4 giáp trong làng thay nhau mang lễ vật vào đình tế, riêng chiều 30 và ngày mùng 1 tết Nguyên đán, nhân dân cả làng ra đình dự lễ và nghe thủ từ đọc văn tế Thần nông sau đó các gia đình mới được về làm lễ ở nhà, trong thời gian này dân làng tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian, đặc biệt hát chèo là môn nghệ thuật không thể thiếu. Đáng chú ý hơn cả là thời gian diễn ra nghi lễ tế lễ ở đình, miếu chẳng may gia đình nào trong làng có người thân qua đời đều phải lùi thời gian mai táng lại cho đến thời điểm sau ngày mùng 7 tết Nguyên đán mới được cử hành nhưng không được đưa tang qua cửa đình, miếu. Ngoài ra, lễ hội tưởng niệm ngày hóa thân của Quốc mẫu Thiềm nương Đàm Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Đinh) vào ngày mùng 10 tháng 10 (âm lịch) hàng năm, dân làng tổ chức tế lễ tưởng nhớ tới ngày hóa của Quốc mẫu và mở hội làng trong 3 ngày, ngày thứ nhất các giáp chuẩn bị lễ vật và tổ chức lễ tế, ngày thứ hai là chính hội, có rất đông du khách thập phương về dự. Ngày cuối là nghi thức tế lễ đóng “miếu môn”. Ngoài ra dân làng còn tổ chức các ngày lễ khác đều liên quan đến công trạng của nhà Đinh. Theo khảo tả di tích, miếu Lộc Thọ tọa lạc trên khu đất cao thuộc doanh đầu của đạo quân Đinh Bộ Lĩnh xưa. Miếu được xây dựng trên khu đất rộng gần 2.000m², theo hướng Bắc Nam, cách làng khoảng gần 200m, 4 mặt là cánh đồng lúa, sông ngòi và ao, hồ và hào nước bao bọc. Phía Đông có con đường nhỏ nối với đình làng. Xung quanh Miếu là hệ thống cây cối xanh tốt quanh năm, cảnh vật linh thiêng toát lên vẻ yên bình, tĩnh mịch của địa linh ngàn năm phụng thờ Quốc mẫu. Kế liền bên là chùa Lộc Thọ, phía ngoài là ngôi Miễu cổ. Sân Miễu to rộng, sát đó là cánh đồng Nội Phủ làng cổ Thụy Thú (Lộc Thọ nay), nơi đây vẫn còn dấu vết di tích thành đất của doanh đầu Đinh Bộ Lĩnh cùng tướng sĩ. Đi dọc con đường vào làng là đình làng thờ “Tứ vị công thần” nhà Đinh (Thần Hoàng làng) gồm: Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công và Sát Công. Ngọc phả chép rằng: Sau khi Đinh Bộ Lĩnh về với sứ quân Trần Lãm (tức Trần Minh Công) ở Bố Hải khẩu (nay là Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân cát cứ. Khi đi Đinh Bộ Lĩnh đưa thân mẫu Thiềm nương đi cùng. Quân hùng, tướng mạnh lại được thân mẫu vốn giỏi võ nghệ, phò trợ cho Đinh Bộ Lĩnh nên giành thắng lợi mỗi khi giao chiến với các sứ quân cát cứ. Trải nhiều ngày chinh chiến, tướng sĩ, binh mã mệt mỏi Đinh Bộ Lĩnh cho lui quân về đất Thụy Thú lập doanh đầu và gây dựng hậu phương vững chắc để tiếp tục “chiêu binh mộ tướng”, tích góp lương thảo thế thủ đợi thời. Vào ngày mùng 10 tháng 4, có hai anh em sinh đôi quê ở Yến Vĩ thuộc Hương Tích Sơn (Hà Nội nay) là Lưu Công và Sát Công đem quân phù giúp Đinh Bộ Lĩnh. Liền ngay sau đó, tại doanh đầu mở ra tiệc lớn, mổ trâu bò khao quân sĩ. Đinh Bộ Lĩnh phong Lưu Công làm tả tướng, Sát Công làm hữu tướng cùng với Đinh Điền là tiền tướng, Phạm Thành làm hậu tướng (đã phong tước tại Hoa Lư) thành bộ tướng hoàn chỉnh. Các Hào trưởng, Tộc trưởng tham gia càng đông, quân uy, thế lực mạnh như nước Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt đánh dẹp 12 sứ quân, xưng vương, lập nên triều Đinh.

Bỗng dưng thân mẫu Thiềm nương lâm bệnh qua đời ở Thụy Thú. Đinh Tiên Hoàng đau xót sai người mai táng thân Mẫu ngay doanh đầu xưa, huyệt sâu một trượng hai thước (4,8m), lấp đá trên mộ rồi san phẳng, lập miếu, sắc cho dân trang Thụy Thú làm hộ nhi, ghi thần hiệu “Chiêm Hoàng Thái hậu” để thờ phụng. Rồi lệnh miễn giảm tô, thuế cho dân Thụy Thú và trang Thụy Thú được coi là một làng thuộc “dân con quê cũ” của mẹ vua. Ngoài ra vua còn ban thêm 51 mẫu ruộng và truyền 4 hốt bạc cấp cho dân làm vốn canh tác, phụng thờ đèn nhang, coi giữ miếu đường lưu truyền muôn đời.


Ông Nguyễn Xuân Trà, 82 tuổi, thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà
Theo thần phả, ngọc phả thì thân mẫu vua Đinh được an táng sâu 4,8m sau đó san phẳng đất và dựng lên ngôi miếu thờ. Đồ thờ và đồ tế khí của miếu Lộc Thọ xưa rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do sơ hở để kẻ gian đánh cắp nên chỉ còn thần phả, ngọc phả và một vài sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Trong đó có ghi “Thánh hậu Đinh miếu, thực lòng ứng vận...”.

Ông Vũ Văn Thành, 75 tuổi, thành viên ban khánh tiết miếu Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà
Ngày tôi còn bé, quanh miếu cây cối tốt tươi như một khu rừng nhỏ. Năm 8 tuổi, tôi theo cha mang lễ dâng miếu. Khi dâng lễ tôi nhìn rõ trên nóc nhà có đôi rắn hổ mang mào đỏ. Rắn trườn xuống thưởng thức vật phẩm khiến ai cũng khiếp sợ. Tuy nhiên, rắn rất hiền, không cắn ai bao giờ, dân làng coi đó là rắn thần, mãi sau này mới biết đó là đôi rắn hổ mang chúa có thật trong tự nhiên.

Ông Nguyễn Thế Thìn, 68 tuổi, thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà
Khoảng 20 năm về trước, Bảo tàng tỉnh đã về khai quật ngôi mộ cạnh ngôi miếu cổ, quan tài là thân cây gỗ nhưng không có hài cốt. Theo các cụ cao niên trong làng thì đây là ngôi mộ cổ giả ngôi mộ thân mẫu vua Đinh nhằm tránh sự trả thù của quân giặc mà thôi. Mộ chính của Quốc mẫu Thiềm nương Đàm Hoàng Thái Hậu được an táng đặc biệt dưới nền miếu Lộc Thọ.


Quang Viện 

  • Từ khóa