Thứ 5, 16/01/2025, 04:17[GMT+7]

Giải bài toán nông dân bỏ ruộng (Kỳ 1)

Thứ 2, 30/09/2019 | 10:40:52
4,220 lượt xem
Bao đời nay, người nông dân luôn gắn bó, yêu từng tấc đất, thửa ruộng, thậm chí đã từng đổ máu để giành lại ruộng đất. Thế nhưng hiện nay ở Vũ Thư tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng phổ biến.

Những cánh đồng bị bỏ hoang có xu hướng gia tăng trên địa bàn huyện Vũ Thư. Ảnh chụp tại cánh đồng Vải, cánh đồng Ra, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Kỳ 1: Những cánh đồng bỏ hoang 

Khoảng 10 năm về trước, cánh đồng Cửa, thôn Chín, xã Vũ Đoài vẫn rộn ràng những mùa vụ bội thu, thế nhưng mấy năm gần đây, diện tích ruộng bị bỏ hoang tăng dần, tới vụ mùa này, tất cả 17 mẫu ruộng (khoảng 6ha) trên cánh đồng này đều bị bỏ hoang. Gia đình bà Phạm Thị Hiền, thôn Chín có hơn 4 sào trên cánh đồng Cửa nhưng giờ đã bỏ không cấy nữa. Bà Hiền chia sẻ: Cánh đồng này nằm tiếp giáp khu dân cư nên chuột cắn phá khiến năng suất lúa rất kém, hiệu quả sản xuất thấp. Bà Hiền không cấy ở cánh đồng này vẫn dễ dàng mượn được gần 2 mẫu ruộng ở các xứ đồng khác để sản xuất thuận tiện, hiệu quả hơn nên bà Hiền không hề tiếc nuối 4 sào trên đồng Cửa... 

Ông Phạm Xuân Khản, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Chín, xã Vũ Đoài cho biết: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn hiện nay là 87 mẫu (hơn 31ha) ở 7 xứ đồng, trong đó diện tích ruộng bỏ hoang là 26 mẫu (hơn 9ha), chiếm gần 30% tổng diện tích. Ruộng bị bỏ hoang nằm rải rác ở nhiều xứ đồng, trong đó nhiều nhất là cánh đồng Cửa, hầu hết các hộ trong thôn đều có ruộng bỏ hoang, nhà nhiều khoảng 1 mẫu ruộng, nhà ít thì vài sào. Trước kia, khi đến thời vụ gieo cấy lúa, Ban công tác mặt trận thôn trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở từng nhà nếu thấy hộ đó gieo cấy chậm hoặc có biểu hiện muốn bỏ ruộng, thế nhưng mấy năm nay nhiều hộ bỏ ruộng, chúng tôi vận động bà con cũng nhất định không gieo cấy. Hầu hết các hộ có tư tưởng chỉ cần cố gắng cấy vài sào để bảo đảm đủ lương thực cho gia đình, còn lại cho ai cấy thì cấy hoặc bỏ ruộng hoang. Thực tế tại thôn tôi thì hiệu quả sản xuất lúa rất thấp, nhất là so với các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ khác nên bà con không thiết tha gieo cấy lúa. Lao động trẻ khỏe đã tham gia công ty, xí nghiệp, chỉ còn lực lượng trung niên, cao tuổi ở nhà sản xuất nông nghiệp nên không làm xuể là một trong những nguyên nhân bỏ ruộng hoang.

Hòa Bình hiện là xã có diện tích ruộng bị bỏ hoang cao nhất huyện Vũ Thư, với 52ha ruộng bỏ hoang, chiếm 24,4% trong tổng số 213ha đất sản xuất nông nghiệp của xã. 

Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc HTXNN xã Hòa Bình cho biết: Với những người gắn bó với ruộng đất khi nhìn thấy những cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm đều cảm thấy xót xa, tiếc nuối. Tuy vậy, nếu sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ cấy vài ba sào lúa như nông dân hiện nay làm thì tính chi phí đầu tư trung bình cho 1 sào lúa hiện nay gồm: 150.000 đồng thuê máy cày bừa, khoảng 300.000 đồng thuê cấy, 150.000 đồng khâu thu hoạch lúa, chi phí phân bón khoảng 220.000 đồng, thuốc trừ sâu khoảng 80.000 đồng, phí dịch vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 60.000 đồng. Như vậy, chưa kể chi phí phụ phát sinh như vận chuyển thóc lên đường trục chính ở các ruộng xa, thuê phun thuốc trừ sâu, đầu tư thuốc diệt chuột, ốc bươu vàng, mua nilon quây chuột... mà chỉ tính các chi phí đầu tư cơ bản thì tổng đầu tư cho 1 sào lúa khoảng 960.000 đồng/sào. Trong khi đó, năng suất tùy giống lúa, tính trung bình 2 tạ/sào x 5.500 đồng/kg thóc = 1,1 triệu đồng. Cân đối thu chi, nông dân còn lãi 140.000 đồng/sào lúa cho 3 tháng sản xuất. Với các diện tích lúa bị chuột, ốc bươu vàng gây hại nặng hoặc thời tiết bất thuận thì bà con có thể bị lỗ. Theo tôi, sản xuất nhỏ lẻ, khó đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều công lao động thủ công khiến chi phí đầu tư lớn, hiệu quả sản xuất lúa thấp là nguyên nhân đầu tiên khiến nông dân bỏ ruộng hiện nay.

Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Khảo sát gần đây nhất của huyện, trong vụ mùa năm 2019, toàn huyện có 301,77ha ruộng bị bỏ hoang. Trong đó, 2/3 diện tích ruộng bỏ hoang là đất giao cơ bản, thậm chí ở nhiều vùng được coi là “bờ xôi, ruộng mật” trước kia; 1/3 diện tích bỏ hoang ở quỹ đất 5% của các xã. 25/41 HTXNN trong toàn huyện có diện tích ruộng bị bỏ hoang, trong đó một số địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang lớn như: Hòa Bình 52ha, Vũ Đoài 34,6ha, Phúc Thành 27ha, Minh Lãng 25,43ha...

Qua điều tra, tìm hiểu có nhiều nguyên nhân tác động khiến nông dân không mặn mà với đồng ruộng, dần bỏ hoang nhiều diện tích canh tác, trong đó có những nguyên nhân chính như sau: Thứ nhất, sự chuyển dịch mạnh mẽ nguồn lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ khiến thiếu hụt rõ rệt lao động sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, hiệu quả sản xuất lúa thấp, thấp hơn so với nhiều các loại cây trồng khác, đặc biệt so với thu nhập của lao động ở các doanh nghiệp. Thứ ba, tình trạng chuột gây hại nhiều trên đồng ruộng và các rủi ro khác khiến nông dân dễ “nản” và bỏ ruộng. Thứ tư, những năm trước đây, nhiều nông dân “rắc bừa” giống ra ruộng theo hình thức gieo thẳng lúa, tâm lý được thì ăn, mất thì thôi; tuy nhiên hiện nay, cấp ủy, chính quyền vận động bà con áp dụng phương thức cấy lúa, nhiều hộ “ngại” cấy, không có lao động, chi phí đầu tư khâu thuê cấy lúa cao; đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích ruộng bỏ hoang của huyện tăng ở vụ mùa năm nay.

(còn nữa)

Quỳnh Lưu 


  • Từ khóa