Thứ 6, 27/12/2024, 18:42[GMT+7]

Nguồn nước TP Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều thách thức

Thứ 2, 30/09/2019 | 16:35:12
1,457 lượt xem
Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân-khuyến nghị cho TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019-2035” do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều khuyến cáo của các sở ngành chức năng, chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra cho thấy nguồn nước thô của TP Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều thách thức nên cần có giải pháp kịp thời và đồng bộ để giải quyết thực trạng này.

Nhà máy cấp nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) lấy nguồn nước thô từ huyện Củ Chi, có công suất phát nước gần 300 nghìn m3/ngày.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan: Hiện nay, nguồn nước của thành phố được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai nhưng TP Hồ Chí Minh lại nằm phía cuối lưu vực nên còn tồn tại rất nhiều khó khăn đối với nguồn nước thô như: vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội dọc theo hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai; tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cung cấp cho thành phố; thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô. Tất cả những yếu tố này sẽ gây mất an toàn cấp nước của TP Hồ Chí Minh trong tương lai.

Kết quả điều tra mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chất lượng nước sông Sài Gòn từ Hoá An về Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Trong đó, nước của sông Sài Gòn ở phần thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A và từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Đồng Nai nước chỉ đạt chuẩn nguồn loại B, nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Còn Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nhận định: Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn nhìn chung biến động và có xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng.

Cùng với những thách thức về ô nhiễm nguồn nước do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, nhiều vướng mắc tồn tại liên quan đến nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới, hạ tầng cấp nước và công tác vận hành, sự bất cập trong quy hoạch cấp nước… đã được các đơn vị quản lý đặt ra cần được chính quyền thành phố nghiên cứu sớm giải quyết.

Trong đó, Sawaco đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm có chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch cấp nước, bổ sung các hạng mục cần thiết để có cơ sở thực hiện; đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm ban hành Quyết định phê duyệt phương án giá nước lộ trình 2019-2022 để bảo đảm tài chính cần thiết cho hoạt động cấp nước và đầu tư phát triển hệ thống cấp nước trước thực tế các khó khăn, bất cập hiện nay.

Tính đến tháng 9-2019, tổng công suất cấp nước tại TP Hồ Chí Minh đạt 2,4 triệu m3/ngày với tỷ lệ hộ dân thành phố được cấp nước sạch là 100%, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nước cho người dân thành phố trong sản xuất và sinh hoạt. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 tổng công suất cấp nước của thành phố là 3,7 triệu m3/ngày.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày