Thứ 4, 03/07/2024, 00:18[GMT+7]

Lỗ hổng lớn trong đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ (Kỳ 1)

Thứ 2, 07/10/2019 | 08:08:31
3,588 lượt xem
Có rất nhiều các lớp đào tạo liên kết từ trình độ trung cấp đến đại học được mở tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) ở Thái Bình. Các lớp này mở tràn lan, có nhiều dấu hiệu buông lỏng quản lý. Vậy thực tế loại hình đào tạo này hoạt động như thế nào, chất lượng đào tạo ra sao, có hay không hiện tượng “thả nổi” trong đào tạo.

Nắm bắt được nhu cầu nâng chuẩn của nhiều giáo viên, các lớp đào tạo đại học được mở ngay tại trung tâm GDNN - GDTX huyện, thành phố từ dịp hè và đầu năm học mới.

Kỳ I: Cuộc chạy đua bằng cấp

Không cần học ở trụ sở chính, thời gian học được tư vấn là linh hoạt khiến nhiều người chọn trung tâm GDNN - GDTX ngay trên địa bàn sinh sống để học lớp đại học liên thông, văn bằng 2, mục đích là nâng chuẩn bằng cấp.

Mấy ngày nay, nhiều thầy cô giáo tại một số trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Đông Hưng nhộn nhịp chuẩn bị hồ sơ để đăng ký lớp học liên thông đại học do Trường Đại học Thái Nguyên liên kết với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Hưng tổ chức. Cô giáo N.T.H, hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Hưng chia sẻ: Mọi năm thì Trung tâm GDNN - GDTX có gửi công văn về trường bằng 2 hình thức đó là công văn bằng giấy gửi đến trường và công văn qua hòm thư điện tử. Năm nay, do nắm được thông tin Trung tâm sắp có lớp đào tạo liên thông đại học, một số cô giáo trong trường xin đi học để nâng chuẩn. Thời gian học của lớp này vào thứ bảy và chủ nhật nên nhà trường có thể sắp xếp, bố trí giáo viên, tạo điều kiện để các cô giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đợt này nhà trường có 8 cô đăng ký đi học tại Trung tâm và đang làm hồ sơ. Trao đổi với chúng tôi, 1 trong số 8 cô chia sẻ: Tôi dạy ở trường theo diện hợp đồng đóng bảo hiểm được 26 năm rồi, đợt này tôi xin đi học để nâng chuẩn bằng cấp, đủ điều kiện khi có chỉ tiêu thi tuyển hay xét tuyển biên chế. Hơn nữa học ở đây vừa gần nhà, vừa gần trường nên tiện hơn nhiều so với về thành phố học. Theo lời các cô giáo, chúng tôi tìm đến Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Hưng. Tiếp và làm việc với chúng tôi là chị tên H, còn khá trẻ, là cán bộ của Trung tâm. Sau vài ba câu hỏi qua lại, chị H hướng dẫn cho chúng tôi làm hồ sơ đăng ký, khi nào học thì trường đại học sẽ báo lại.

 Do nhu cầu nâng chuẩn nên nhiều giáo viên đã và đang học tại các lớp liên kết đào tạo được mở ngay tại huyện. 

Còn tại huyện Quỳnh Phụ, số lượng giáo viên có nhu cầu học liên thông lên đại học khá cao. Trong vai giáo viên tiểu học đang có nhu cầu học liên thông lên đại học, chúng tôi đã tiếp cận với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quỳnh Phụ. Sau khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng, vị cán bộ đào tạo của Trung tâm này nói: “Sao em đến đăng ký muộn vậy, thứ bảy vừa rồi (tức là ngày 21/9) gần 130 thầy cô thuê xe ra Đại học Hải Phòng để thi đầu vào rồi. Nhưng để anh gọi cho chị này xem trường hợp của em thế nào”.

Theo điều tra của phóng viên, hiện nay, ngoài Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vũ Thư thì 7 trung tâm GDNN - GDTX của các huyện, thành phố còn lại đều có những lớp đào tạo đại học liên thông và văn bằng 2. Tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy, một cán bộ của Trung tâm cho chúng tôi biết lớp đại học tiểu học hiện đã học được vài tuần rồi, sau đó bảo tôi cứ nộp hồ sơ, có lớp mới thì sẽ thông báo lại. Cũng theo lời của cán bộ này, số người có nhu cầu muốn đăng ký học đợt tới cũng lên tới trên dưới 20 thầy cô giáo rồi. Sau đó, phát cho tôi một bộ hồ sơ có ghi tên và logo của Trường Đại học Hải Phòng gồm phiếu đăng ký tuyển sinh; đồng thời đưa cho tôi một bộ hồ sơ hoàn thiện của một cô giáo dạy tại trường tiểu học trên địa bàn huyện để hướng dẫn tôi cách ghi những thông tin trong hồ sơ. Để khẳng định lớp đại học tiểu học này đã học thật hay chưa, tôi đã liên hệ với thầy C, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn huyện. Thầy C chia sẻ: Hiện trường tôi đang có 6 thầy cô giáo học lớp đại học tiểu học ngay tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy. Các thầy cô học từ đợt hè, tính đến giờ cũng được mấy tuần rồi. Cô giáo A, hiệu trưởng một trường tiểu học khác cũng tâm sự: Trường chỉ còn 4 thầy cô giáo có trình độ cao đẳng. Hiện nay, cả 4 thầy cô giáo này cũng đang đi học lớp đại học tiểu học do trường đại học liên kết với Trung tâm GDNN - GDTX huyện và học ngay tại trung tâm.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kiến Xương liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng. 

Để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cùng với việc học liên thông lên đại học, văn bằng 2, số lượng giáo viên có nhu cầu học và cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cũng rất lớn. Theo thống kê, năm 2018, tổng số hồ sơ đề nghị xét thăng hạng là 1.400 hồ sơ, trong đó bậc học mầm non có 387 hồ sơ, cấp tiểu học có 409 hồ sơ, cấp THCS có 290 hồ sơ và cấp THPT là 314 hồ sơ. Qua thẩm định, ngày 10/6/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 1.198 viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đến tháng 7/2019, có 441 giáo viên mầm non và tiểu học tham gia kỳ thi sát hạch xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Cô T.A.N, giáo viên mỹ thuật một trường THCS trên địa bàn thành phố chia sẻ: Sau khi được hiệu trưởng thông báo để đủ điều kiện thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên ngoài có bằng đại học cần phải có các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Thấy đồng nghiệp rủ nhau đi học nhiều quá, sốt ruột tôi cũng đăng ký để được cấp chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.

Không chỉ riêng khối ngành sư phạm, những người làm trong khối ngành sức khỏe cũng có nhu cầu đi học liên thông rất lớn. Tại Thái Bình, hàng năm, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình được phép mở các lớp liên thông đại học và số lượng học viên cũng khá cao. Bên cạnh 2 cơ sở uy tín này, hiện nay, cũng có một số cơ sở giáo dục của địa phương khác về Thái Bình để liên kết mở lớp liên thông. Tại Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Thái Bình, một cán bộ tên T cho biết: Trường Đại học Trưng Vương (có địa chỉ tại Vĩnh Phúc) đang có lớp tuyển sinh đại học điều dưỡng liên thông tổ chức học tại Trung tâm, tuy nhiên học viên phải lên trường để thi đầu vào. Hiện nay, Trung tâm đã có gần 30 người đăng ký. Chị H, hiện đang làm tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Thái Bình chia sẻ: Hiện nay, các dược sĩ, điều dưỡng có nhu cầu học lên rất cao để đáp ứng yêu cầu công việc. Ở chỗ làm của tôi cũng có mấy chị đang đi học các lớp do Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình mở. Bên cạnh đấy, một số người lại học cao đẳng dược sĩ, đại học điều dưỡng tại cơ sở được đặt trên địa bàn thành phố Thái Bình.

(còn nữa)
Nhóm phóng viên

  • Từ khóa