Thứ 7, 11/01/2025, 13:59[GMT+7]

Lỗ hổng lớn trong đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ (tiếp theo và hết)

Thứ 5, 10/10/2019 | 08:27:57
8,672 lượt xem
Qua 3 kỳ Báo Thái Bình phản ánh công tác đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ, có thể thấy cụm từ “trung tâm GDNN - GDTX” xuất hiện rất nhiều khiến bạn đọc thắc mắc về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của trung tâm này như thế nào và trách nhiệm quản lý thuộc về ai.

Kỳ 4: “Tảng băng chìm” hay bị “thả nổi”

Trung tâm GDNN - GDTX cho thuê và liên kết đào tạo

Năm 2015, thực hiện Thông tư liên tịch số 39 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, các địa phương đã tiến hành sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm hướng nghiệp công lập thành trung tâm GDNN - GDTX. Tại Thái Bình hiện đang có 8 trung tâm GDNN - GDTX huyện, thành phố và 1 trung tâm cấp tỉnh. Chức năng của các trung tâm này là dạy văn hóa, kết hợp dạy văn hóa với học nghề và học nghề ngắn hạn nhưng thực tế chỉ có một số ít trung tâm tuyển sinh được học sinh, học viên. Chính vì vậy, nhiều trường đại học đã chọn các trung tâm GDNN - GDTX để đặt địa điểm tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngay tại đây. 

Qua trao đổi với một cán bộ Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Hà, chúng tôi được biết trung tâm này cho Trường Đại học Vinh mượn địa điểm từ nhiều năm nay để đào tạo đại học sư phạm mầm non, đại học sư phạm tiểu học. Thường thì vào tháng 7 sẽ học từ thứ hai đến thứ sáu, còn trong năm học sẽ học 2 ngày cuối tuần là thứ bảy và chủ nhật. Nói là “mượn” nhưng cán bộ trung tâm lại là người trực tiếp tuyển sinh, phát hồ sơ, lưu đăng ký của học viên và thu tiền học phí “hộ” cho trường đại học. 

Chị D, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Hưng Hà cho biết: Tôi đi học đại học sư phạm mầm non từ cách đây hơn 3 năm. Tôi cũng như các học viên khác nộp hồ sơ và học phí cho Trung tâm GDNN - GDTX huyện. Trong năm học, cứ đến thứ sáu, lớp thuê xe đón thầy, cô từ thị trấn Đông Hưng về trường để dạy học, dạy xong lớp lại thuê xe đưa thầy, cô ra đấy để bắt xe về thành phố Vinh.

Hiện nay, nhiều trung tâm GDNN - GDTX không chỉ cho mượn địa điểm đơn thuần mà còn liên kết để chiêu sinh học viên. Điển hình như trong công văn chiêu sinh của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tiền Hải có ghi rõ: “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiền Hải liên kết với các trường đại học tuyển sinh các lớp sau: phối hợp với Trường Đại học Hải Phòng, Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương mở các lớp đại học sư phạm”. Điều đáng nói là dưới công văn này có dòng chữ: “Trung tâm kính nhờ ban giám hiệu các trường thông báo và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên có nhu cầu về trung tâm học”.

Không khó để phóng viên có được những bộ hồ sơ học liên thông đại học như thế này.

Tại Kiến Xương, việc liên kết tuyển sinh năm học 2019 - 2020 còn được Trung tâm GDNN - GDTX huyện công khai trên tấm biển quảng cáo ngay trước cổng Trung tâm, trong đó ghi rõ: Trung tâm liên kết với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo các ngành, trong đó hệ đại học liên thông có kế toán, luật, quản trị kinh doanh... Mặc dù trên biển ghi thời gian nhận hồ sơ từ ngày 15/5/2019 nhưng lại không ghi thời gian hết hạn. 

Khi hỏi về vấn đề này, một cán bộ Trung tâm cho chúng tôi biết là cứ đủ học viên thì lại mở lớp, đợt 1 đã chốt 40 hồ sơ, giờ đang tuyển lớp đại học sư phạm tiểu học đợt 2. Khi bày tỏ mong muốn được gặp giám đốc trung tâm để trao đổi kỹ hơn thì cán bộ cho biết “sếp em giờ giao lại hết rồi, không liên quan gì đến việc tuyển sinh liên kết nữa”. Câu trả lời khiến chúng tôi khá bất ngờ bởi nếu đó là sự thật thì trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu trong công tác quản lý?

“Một cổ ba tròng”

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Theo quy định, chức năng của Trung tâm GDNN - GDTX huyện chỉ được phép liên kết đào tạo nghề ngắn hạn, không được phép liên kết đào tạo đại học và không được phép cho thuê cơ sở vật chất nếu như không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đang chịu sự quản lý của 3 cơ quan nên có sự chồng chéo trong công tác quản lý dẫn đến việc kiểm tra, đôn đốc còn hạn chế. Sau cuộc trao đổi với phóng viên, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và chỉ đạo kịp thời để Trung tâm hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngay sau khi báo chí đưa thông tin phản ánh về việc đào tạo đại học “chui” của một số trường đại học tổ chức tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tiền Hải, UBND tỉnh Thái Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Tiền Hải đã có những chỉ đạo kịp thời để làm rõ những sai phạm của trung tâm này. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trước sự việc trên, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Tiền Hải chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ sự việc và trả lời báo chí. Sở đã ban hành Công văn số 848 về việc xác minh sự việc báo chí phản ánh, trong đó yêu cầu Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tiền Hải báo cáo bằng văn bản về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 1/10/2019. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin mà báo chí đã phản ánh, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. 

Ông Nguyễn Viết Hiển cũng cho biết thêm: Trung tâm GDNN - GDTX huyện, thành phố trực thuộc sự quản lý nhà nước của UBND huyện, thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo chuyên môn về hoạt động dạy nghề; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên, giáo dục hướng nghiệp, vì vậy Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động chuyên môn trong giáo dục THPT, hướng nghiệp cho học sinh học văn hóa.

Câu chuyện về đào tạo đại học liên thông, văn bằng 2 và cấp chứng chỉ dường như chưa có hồi kết. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Thái Bình sẽ làm việc với các cơ quan liên quan và sớm có câu trả lời đến độc giả.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát về thực hiện liên kết đào tạo tại hơn 200 trường đại học trên toàn quốc, kết quả có đến hơn 50 trường đại học, học viện, đại học vùng có các hoạt động liên kết đào tạo nhưng không có văn bản cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ ngày 1/1/2019 đến 15/5/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 55.000.000 đồng. Trước đó, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 306.500.000 đồng.

Thông tư liên tịch số 39 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định việc quản lý các trung tâm sau khi sáp nhập: UBND cấp huyện quản lý nhà nước các trung tâm GDNN - GDTX; sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên, giáo dục hướng nghiệp; sở lao động - thương binh và xã hội chỉ đạo chuyên môn về dạy nghề.


Nhóm phóng viên

  • Từ khóa