Thứ 6, 22/11/2024, 20:10[GMT+7]

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thứ 3, 15/10/2019 | 18:38:43
2,916 lượt xem

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà gia đình giáo dân Hoàng Thị Ánh (xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà).

Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Để hiểu rõ hơn về những kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt được trong 10 năm qua, nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác tổ chức triển khai thực hiện của các cấp, các ngành thời gian qua?
Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, thực hiện Kế hoạch số 70 ngày 26/2/2009 của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, ngày 26/3/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28 về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm động viên và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, sự năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực của nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra. Thực hiện Chỉ thị số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong từng địa phương, đơn vị bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp ở cơ sở; đồng thời kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phóng viên: Sau 10 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực trong cộng đồng, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật?
Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh có 8.219 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: lĩnh vực kinh tế có 2.257 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội 2.496 mô hình, lĩnh vực an ninh - quốc phòng 1.584 mô hình và có 1.649 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, còn lại là các mô hình tổng hợp khác. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được chỉ đạo, tổ chức thực hiện sáng tạo từ thực tiễn cơ sở, đã động viên, phát huy vai trò chủ thể các tầng lớp nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu; dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu, vùng sản xuất tập trung có năng suất, chất lượng cao. Vận động nhân dân chấp hành tốt, đồng thuận cao với việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, của địa phương. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, cùng với chủ trương đúng, cơ chế hỗ trợ năng động của tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đóng góp tinh thần, vật chất, hiến đất, góp công, kinh phí quyết tâm hoàn thành nhanh, bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là những tiêu chí khó, có tính đột phá của địa phương, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 263/263 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 4 huyện đã được thẩm tra, hoàn tất hồ sơ và đề nghị trung ương thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được nâng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Lãng (Vũ Thư) chăm sóc đường hoa.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện hương ước, quy ước về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nếp sống văn minh; xây dựng mô hình xã, thôn, làng, dòng họ, gia đình văn hóa, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội theo đúng quy định, đồng thời vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; phát huy tinh thần tương thân tương ái, từ thiện, nhân đạo vì cuộc sống cộng đồng. Nhiều mô hình có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng như mô hình “cặp lá yêu thương”, “đường hoa nông thôn mới”. Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào “Dân vận khéo” được tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và giải quyết các vấn đề tồn đọng bức xúc, những khó khăn, vướng mắc của nhân dân ngay từ cơ sở. Đặc biệt, có những cơ sở đảng đã xây dựng được mô hình “Dân vận khéo” góp phần phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Bên cạnh đó, phương thức lãnh đạo, năng lực quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và tinh thần trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từng bước được nâng lên. Việc tổ chức, tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được tăng cường với hơn 250 cuộc ở cả 3 cấp, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Phóng viên: Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, theo đồng chí, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì?
Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” bảo đảm có trọng tâm, thực chất, sát thực tiễn, tập trung vào những vấn đề khó, vướng mắc ngay từ cơ sở. Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. MTTQ và các đoàn thể nhân dân căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phát huy lợi thế so sánh để cổ vũ, động viên, hướng dẫn đoàn viên, hội viên lựa chọn, tổ chức thực hiện mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, thiết thực. Tiếp tục củng cố hệ thống dân vận; nâng cao vai trò tham mưu của ban dân vận các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận các cấp vững về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc gắn bó với nhân dân, sâu sát cơ sở. Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đào Quyên 

(Thực hiện)

  • Từ khóa