Thứ 4, 27/11/2024, 22:49[GMT+7]

Thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo

Thứ 6, 18/10/2019 | 09:37:12
2,111 lượt xem
Dù là giáo viên trẻ của Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình nhưng với lòng đam mê sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh đã tự nghiên cứu hệ thống tưới nước tự động, hệ thống chống trộm và bộ điều khiển nhiệt độ tự động cho trang trại... phục vụ giảng dạy đồng thời mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình với thiết bị cho gà uống thuốc tự động.

Gắn bó nhiều năm với các trang trại chăn nuôi gà, thầy Huỳnh nhận thấy việc cho gà uống thuốc chứa đựng nhiều rủi ro. Công đoạn này do người chăn nuôi thực hiện thủ công, liều lượng không đồng nhất, thời gian cấp thuốc và cấp lại nước uống cho gà không bảo đảm dẫn đến tình trạng gà chết khát cao, gây tốn kém...

Ý tưởng về thiết bị cho gà uống thuốc tự động, chế tạo đơn giản, ứng dụng công nghệ mới, có thể sử dụng trong giảng dạy và áp dụng rộng rãi phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân khiến thầy Huỳnh luôn trăn trở.

Sau một thời gian nghiên cứu, chế tạo, tận dụng một số nguyên vật liệu có sẵn, dễ làm, công trình dần được hoàn thiện. Thiết bị cho gà uống thuốc tự động được thầy Huỳnh thiết kế gồm 3 phần chính: bồn cấp nước sạch và cấp thuốc, bộ điều khiển, hệ thống núm uống tự động, sử dụng điện áp 220V trực tiếp, pin dự trữ và pin năng lượng mặt trời cùng bộ tích điện và 1 camera giám sát.

Khi vận hành, người chăn nuôi chỉ cần cấp nguồn nước vào, pha thuốc theo liều lượng vào bồn chứa thuốc và bật công tắc nguồn, ấn định thời gian sử dụng thuốc trong nước uống cho gà trên bảng điều khiển. Khi hết thời gian định giờ, hệ thống tự ngắt không sử dụng nước uống có thuốc và tự chuyển sang lấy nước từ bồn nước sạch chuyển vào hệ thống núm uống cho gà. Lượng nước dư thừa trong bồn pha thuốc sẽ tự thải ra ngoài qua hệ thống xả thải, giúp tiết kiệm thời gian vệ sinh bồn pha thuốc và bảo đảm hiệu quả sử dụng thuốc.

Thiết bị cho gà uống thuốc tự động có tính năng hẹn giờ với thời lượng từ 30 - 120 phút, được lắp camera giám sát, điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh, giúp người sử dụng có thể giám sát toàn bộ quy trình vận hành, chủ động về thời gian, lượng thuốc, nước... tùy thuộc vào thực tế gà nuôi trong trang trại.

Đặc biệt, nhờ tận dụng nguyên vật liệu có sẵn, dễ thiết kế, lắp đặt và chuyển giao công nghệ với tổng giá thành 3,5 triệu đồng giúp tiết kiệm được chi phí, hiệu suất sử dụng cao 1.000 con gà/1 bộ thiết bị khi ứng dụng thực tế.

Thiết bị cho gà uống thuốc tự động được thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh lắp đặt và ứng dụng thử nghiệm thực tế vào một số trang trại, gia trại chăn nuôi gà tại các huyện Kiến Xương, Đông Hưng, Thái Thụy với tổng số lượng trên 10 vạn con.

Ông Nguyễn Giang Nam, chủ gia trại thôn An Bình, xã Lô Giang (Đông Hưng) chia sẻ: Gia trại của tôi nuôi trên 2.000 con gà thương phẩm. Trước đây, công tác thú y, phòng dịch, đặc biệt là cho gà uống thuốc rất vất vả, tỷ lệ gà chết cao do quên thuốc hoặc thiếu nước. Sau khi được anh Huỳnh khảo sát và lắp đặt thiết bị cho gà uống thuốc tự động có tính năng hẹn giờ giúp tôi tiết kiệm nhân lực, thời gian, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi được cải thiện rõ rệt.

Nhờ tính ứng dụng cao, nhận được những phản hồi tích cực từ thực tế thử nghiệm, thiết bị cho gà uống thuốc tự động đã được thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh áp dụng để giảng dạy cho nhiều môn học như dược lý, chăn nuôi gia cầm, bệnh của gia cầm... trong chương trình đào tạo nghề chăn nuôi thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình làm tăng tính trực quan, giúp người học dễ hiểu, dễ áp dụng.

Tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình có 2 đề tài tham dự đạt giải. Trong đó, đề tài “Ứng dụng thiết bị cho gà uống thuốc tự động vào chăn nuôi” của tác giả Nguyễn Xuân Huỳnh được ban tổ chức đánh giá cao và trao giải nhì.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Tổ chức hội thi cho biết: Thiết bị cho gà uống thuốc tự động của tác giả Nguyễn Xuân Huỳnh một lần nữa minh chứng cho sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo nhờ tận dụng những vật tư dễ tìm. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng, tăng hiệu quả sử dụng và kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hiệu quả từ áp dụng thực tế và sự ghi nhận của các đơn vị chuyên môn là sự động viên với thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh, đồng thời là động lực để cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình có thêm nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực.

Trịnh Cường

  • Từ khóa