Chủ nhật, 17/11/2024, 03:18[GMT+7]

Ô nhiễm không khí từ khói, bụi

Thứ 3, 22/10/2019 | 08:03:52
8,788 lượt xem
Ô nhiễm không khí từ khói, bụi không chỉ là vấn đề nóng ở các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp... mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Ô nhiễm không khí được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm khói, bụi từ thi công các công trình xây dựng.

Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động. Hiện nay, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức suy giảm nghiêm trọng. Nồng độ bụi gấp đôi quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần khuyến nghị từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không tốt cho sức khỏe con người. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ bụi cao hơn so với quy chuẩn quốc gia và gấp 3 lần khuyến nghị từ WHO.

Tại Thái Bình, ô nhiễm không khí ở mức không cao, chất lượng không khí cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, cục bộ tại một số nơi, một số thời điểm chất lượng không khí vượt giới hạn cho phép. 

Tại khu công nghiệp Tiền Hải, hàng ngày lượng xe cộ đi lại tương đối nhiều, nhất là ô tô vận chuyển nguyên vật liệu như than, đất sét... tới các công ty sản xuất sứ vệ sinh, gạch men; cùng với đó là bụi từ khí thải của xe máy, ô tô và bụi từ những ống khói của các doanh nghiệp sản xuất; vì thế, lượng bụi trong không khí ở khu vực này lúc nào cũng dày đặc, làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người dân nơi đây. Cây xanh hai bên đường phải hứng chịu một lớp bụi dày trắng xóa. 

Bà Nguyễn Thị Mùi, xã Đông Cơ (Tiền Hải) bức xúc: Khu công nghiệp Tiền Hải ngày càng phát triển, mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, tần suất hoạt động của các xe chở vật liệu xây dựng, đất sét cũng vì thế mà tăng lên. Một số chủ phương tiện đã không thực hiện việc che chắn cẩn thận khiến cho đất sét, chất thải rơi vãi trên đường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm bụi tại đây luôn ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Còn tại thành phố Thái Bình vào giờ cao điểm mỗi ngày, cùng lượng người đổ ra đường ở khắp các tuyến đường thì lượng xe cơ giới và các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu khí đốt rất lớn. Vì vậy, không khí bị ô nhiễm bởi khí, bụi từ khí thải của xe cơ giới và từ các công trình xây dựng, khí thải của các nhà máy, xí nghiệp, các công ty sản xuất công nghiệp, các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt... Tình trạng ô nhiễm không khí vào mùa thu, mùa đông cao hơn vì phân tử bụi lắng xuống tầng không khí thấp và khó khuếch tán. 

Đối với khu vực nông thôn, nhìn chung chất lượng môi trường không khí ở mức tốt hơn. Môi trường chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất làng nghề, xây dựng, đốt rơm rạ, đốt rác thải, đun nấu bằng than, bằng rơm rạ... Nhất là vào những mùa thu hoạch lúa, mặc dù các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã tuyên truyền, phản ánh rất nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ ngày mùa nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương. Đốt rơm, rạ trong điều kiện thời tiết nắng nóng lại càng làm gia tăng ô nhiễm không khí.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói, bụi trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức cho phép. Theo định kỳ, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đều có kế hoạch và triển khai thực hiện quan trắc hàng chục điểm trên địa bàn tỉnh để lấy mẫu phân tích, đánh giá rất cụ thể từng chỉ số về ô nhiễm môi trường không khí từ khói bụi. Tuy nhiên, có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói, bụi vẫn đang là nỗi lo thường trực của người dân, vì thế, hơn ai hết, mỗi chúng ta phải có ý thức trách nhiệm hơn nữa đối với môi trường, giảm thiểu tối đa khói, bụi thải ra môi trường để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của chính chúng ta trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Đức Dũng 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày