Thứ 3, 23/07/2024, 22:24[GMT+7]

Bắc Hải: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ 4, 23/10/2019 | 08:48:21
2,817 lượt xem
Nhằm phá vỡ thế thuần nông, những năm qua, xã Bắc Hải (Tiền Hải) đã tập trung chỉ đạo và hỗ trợ người dân phát triển ngành nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN). Kết quả, hàng nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định, kinh tế của địa phương đạt mức tăng trưởng khá.

Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ông Phạm Văn Bình có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là xã xa trung tâm huyện, trước đây, đời sống của người dân Bắc Hải phần lớn phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi. Ông Đỗ Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp hiện nay của xã đạt 98 tỷ đồng/năm, gần như đã chạm ngưỡng. Vì vậy, muốn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, không còn cách nào khác là phải thu hút đầu tư phát triển CN, TTCN, thương mại, dịch vụ. Với định hướng đó, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân mở mang ngành nghề, đầu tư phát triển sản xuất CN, TTCN.

Ông Phạm Văn Bình, thôn An Phú - một trong những người mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gia dụng chia sẻ: Được sự quan tâm, động viên của UBND xã và các đoàn thể, năm 2012, gia đình tôi mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gia dụng với các sản phẩm chính là giường, tủ, bàn, ghế, trần gỗ, sàn nhà gỗ, cầu thang, tủ bếp... Ban đầu cũng gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ nhưng với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài” cộng với làm ăn có uy tín nên cơ sở đã chinh phục được nhiều khách hàng. Đến nay, ngoài tự tạo việc làm cho gia đình, cơ sở còn giải quyết việc làm cho 4 lao động với thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của cơ sở năm 2018 đạt 2,2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 450 triệu đồng; dự kiến năm 2019 doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2018.

Ông Đỗ Văn Tú, Trưởng thôn An Phú cho biết: Hiện nay, ngoài gia đình ông Bình, trong thôn còn có 60 hộ đầu tư làm nghề TTCN, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 200 lao động. Có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, đời sống của bà con không ngừng được cải thiện, đây cũng là điều kiện thuận lợi để nhân dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Không riêng thôn An Phú, phong trào phát triển CN, TTCN cũng được nhân dân 6 thôn: An Nhân Bình, An Nhân Hưng, Bát Cấp Nam, Bát Cấp Đông, Nam Trạch và Nam Trại hưởng ứng. Toàn xã có 5 doanh nghiệp và hơn 300 cơ sở, hộ sản xuất với các nghề: mộc, cơ khí, may mặc, khâu nón lá, dệt chiếu, làm chổi đót... Có được con số ấn tượng như vậy đối với một xã vùng xa như Bắc Hải là do địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ, thu hút đầu tư. Nổi bật là, hàng năm UBND xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức từ 5 - 7 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, truyền nghề cho gần 1.000 lượt người trong độ tuổi lao động. Nhằm giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, chính quyền xã và các đoàn thể đứng ra tín chấp cho hơn 700 hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ gần 32 tỷ đồng. Quá trình sử dụng vốn vay của các hộ đều được chính quyền, các đoàn thể giám sát, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả tốt. Đặc biệt, xã đã quy hoạch vùng TTCN thu hút doanh nghiệp trong và ngoài xã đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị kinh tế của địa phương và khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, khó quản lý dễ dẫn tới ô nhiễm môi trường.

Nhờ phát triển CN, TTCN, thương mại, dịch vụ, xã Bắc Hải đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị CN, TTCN, thương mại. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 329 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017; trong đó, giá trị sản xuất CN, TTCN, xây dựng cơ bản chiếm 47,7%. 9 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất CN, TTCN của xã ước đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Điều đáng ghi nhận hơn cả là thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên, đạt 40,3 triệu đồng/năm, tăng gấp gần 2 lần so với cách đây 5 năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,9%.


          Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày