Thứ 5, 16/01/2025, 06:42[GMT+7]

Làng rèn An Tiêm: Đưa sản phẩm vươn ra thế giới

Thứ 4, 23/10/2019 | 08:53:02
5,322 lượt xem
Trước sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, làng rèn An Tiêm, xã Thụy Dân (Thái Thụy) không ngừng đổi mới để phát triển. Hiện nay, bên cạnh việc đưa máy móc vào sản xuất , một số cơ sở rèn trong làng nghề đã đưa được sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.

Làng rèn An Tiêm tạo việc làm ổn định cho 300 lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Đưa máy móc vào sản xuất

Làng rèn An Tiêm là một trong những làng rèn lâu đời nhất Việt Nam. Theo sử sách lưu lại thì làng nghề này được hình thành từ thời nhà Trần. Trải qua hơn 700 năm, làng rèn An Tiêm vẫn tồn tại và lưu truyền lại cho thế hệ sau những kỹ năng, bí quyết, tuyệt kỹ của nghề.

Giống như nhiều cơ sở rèn khác ở làng An Tiêm, trước đây, cơ sở rèn của anh Phạm Ngọc Trìu chủ yếu làm thủ công, các công đoạn sản xuất từ cắt phôi, rèn... đến tôi sản phẩm đều chủ yếu dựa vào sức người. Dù bảo đảm chất lượng sản phẩm nhưng do làm thủ công nên năng lực sản xuất thấp, mẫu mã không đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường, người tiêu dùng. Vì thế, có thời điểm đầu ra cho sản phẩm của cơ sở gặp khó khăn, quy mô sản xuất còn nhỏ. Tuy nhiên, hơn 5 năm trở lại đây, anh Trìu đã đầu tư mua sắm, đưa các loại máy móc vào sản xuất như máy rèn, máy mài..., đặc biệt là lắp đặt 2 chiếc máy CNC trị giá gần 1 tỷ đồng để cắt phôi dao và chuôi, bao đựng dao bằng gỗ. Đây là loại máy cơ khí tự động có thể cắt được nhiều mẫu phôi dao khác nhau, công suất cắt đạt hơn 1.000 phôi dao/ngày. 

Anh Trìu cho biết: Việc đưa máy móc vào sản xuất đã giúp cơ sở nâng cao năng suất, sản xuất được đa dạng các mẫu dao khác nhau để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trung bình một tháng cơ sở sản xuất được 12.000 con dao các loại, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập từ 9 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, làng rèn An Tiêm có 56 hộ làm nghề. Những năm gần đây, các hộ trong làng nghề đã đẩy mạnh việc đưa các loại máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh những công đoạn được sử dụng máy móc, hiện nay vẫn còn một vài công đoạn đòi hỏi kỹ thuật, phải nhờ đến bàn tay của người làm nghề mới có thể cho ra chiếc dao mang thương hiệu của làng rèn An Tiêm. 

Theo ông Đặng Xuân Ý, Chủ tịch UBND xã Thụy Dân: Hiện nay, số hộ làm nghề tại làng rèn An Tiêm có giảm so với trước đây nhưng nhờ các cơ sở rèn đẩy mạnh việc đưa máy móc vào sản xuất đã giúp sản lượng và giá trị sản xuất của làng nghề cao gấp nhiều lần so với trước. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất của làng rèn An Tiêm dự kiến đạt gần 90 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã; tạo việc làm ổn định cho 300 lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở rèn của anh Phạm Ngọc Trìu đưa các loại máy móc vào sản xuất.

Tìm hướng xuất khẩu

Ngoài việc đẩy mạnh đưa máy móc vào sản xuất, các cơ sở rèn ở làng rèn An Tiêm còn nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm trên thị trường Việt Nam, một số cơ sở còn tìm cách nâng giá trị, từng bước đưa sản phẩm của làng rèn An Tiêm ra thị trường nước ngoài, từ đó gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề. Trong đó, nhiều cơ sở đã tiêu thụ sản phẩm sang thị trường các nước Lào, Campuchia. 

Đặc biệt, trong làng nghề hiện có cơ sở rèn của ông Ngô Thanh Quang xuất khẩu được sản phẩm dao sang thị trường Đức, một trong những thị trường khó tính. Trung bình mỗi tháng cơ sở này xuất sang thị trường Đức hơn 4.000 sản phẩm gồm các loại dao với giá bán trung bình từ 50.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. 

Ông Quang cho biết: Việc đưa các sản phẩm của làng rèn An Tiêm ra thị trường nước ngoài là hướng phát triển của làng nghề hiện nay. Tuy nhiên, ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất thì các cơ sở rèn chủ yếu tập trung sản xuất trong làng có quy mô, diện tích nhà xưởng chật hẹp nên chưa đáp ứng các điều kiện của đối tác nước ngoài. Vì thế, nếu muốn liên kết với các đối tác nước ngoài buộc các cơ sở rèn phải tìm kiếm mặt bằng, đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất. Để làm được việc này, ngoài nỗ lực của các cơ sở rèn thì rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo điều kiện về vay vốn, thuê mặt bằng để sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm của làng rèn An Tiêm ở thị trường nước ngoài.


Trần Tuấn

  • Từ khóa