Thứ 4, 27/11/2024, 23:36[GMT+7]

Nơi hội tụ những mảnh đời không may mắn

Thứ 5, 24/10/2019 | 09:13:43
2,549 lượt xem
Thành lập năm 1979, 40 năm qua, từ một ngôi trường với nhiều khó khăn, đến nay Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đã không ngừng phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy của các em học sinh khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh.

Giáo viên dùng ngôn ngữ ký hiệu để dạy chữ các em khiếm thính.

Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình tiền thân là Trường Dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật, được thành lập ngày 27/10/1979 theo Quyết định số 92 của UBND tỉnh với nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa, phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật và các đối tượng chính sách. Trải qua năm tháng, bao thế hệ thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả nổi bật, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, biểu dương. Ngày 27/6/2007, Trường được UBND tỉnh ra quyết định nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình, trở thành nơi hội tụ của những mảnh đời không may mắn nhưng giàu nghị lực vươn lên. Bên cạnh đó, Trường còn được giao nhiệm vụ dạy văn hóa, dạy nghề cho học sinh thuộc các đối tượng xã hội khác. 

Cô giáo Đặng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 40 năm trước, cơ sở vật chất của Trường còn khó khăn, thiếu thốn, chỉ có 6 dãy nhà cấp 4 xuống cấp, xung quanh là những hố bom trên vùng đất hoang sơ tại xã Thăng Long (Đông Hưng); đội ngũ giáo viên chỉ có 9 người, chủ yếu là thương binh, bộ đội thời chiến cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi kết thúc chiến tranh trên mình vẫn còn nhiều vết thương, thân thể còn găm những mảnh bom, mảnh đạn đã tình nguyện về Trường dạy chữ cho những người khuyết tật. Cùng với năm tháng, đến nay cơ sở vật chất của Trường ngày một khang trang gồm 4 dãy nhà ba tầng, 60 phòng học đủ tiêu chuẩn cùng hệ thống thiết bị đào tạo nghề hiện đại với đội ngũ giáo viên 71 người có trình độ, được đào tạo chuyên sâu cả trong lĩnh vực văn hóa cho người khuyết tật và đào tạo nghề.

Nhờ được đầu tư có trọng điểm, những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký học tại Trường ngày một đông, bình quân hàng năm có từ 1.300 - 1.500 học sinh đăng ký học. Từ ngày đầu thành lập đến nay Trường đã đào tạo được 40 khóa nghề may, 40 khóa nghề mộc, 26 khóa nghề điện - điện tử, 17 khóa nghề cơ khí, 17 khóa nghề tin học, 11 khóa nghề kế toán với hàng chục nghìn học sinh khuyết tật, trẻ mồ côi, con thương binh, liệt sĩ, con hộ nghèo, cận nghèo đã ra trường và có khả năng tự kiếm sống bằng nghề đã học, nhiều học sinh mở được cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho người khuyết tật. Cùng với dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật trong tỉnh, nhà trường còn tổ chức dạy chữ cho học sinh khiếm thính, đào tạo nghề cho học sinh khuyết tật các tỉnh Phú Thọ, Nam Định, Yên Bái, qua đó giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, trong các lần tham dự hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc mà cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường là lực lượng nòng cốt đại diện cho tỉnh luôn đạt thứ hạng cao, được Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương. 

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường, phát biểu chung vui với nhà trường, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực vượt khó vươn lên của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, mở rộng các loại hình đào tạo, quy mô tuyển sinh, đào tạo những ngành nghề thiết thực, phù hợp với người khuyết tật, giúp các em có công việc ổn định, xóa đi những mặc cảm, tự ti để hòa nhập với cộng đồng.

Hiện nay, mặc dù cơ sở vật chất của Trường đã phần nào đáp ứng yêu cầu giảng dạy với 4 phòng chức năng, 7 khoa chuyên môn, tuy nhiên, khu thực hành và nơi ở cho học sinh còn thiếu thốn. Để mở rộng nơi thực hành và có khu ký túc xá rộng rãi cho học sinh, giai đoạn 2016 - 2020 Trường được Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lựa chọn là một trong ba trường dạy nghề cho người khuyết tật của cả nước được đầu tư cơ sở vật chất với nguồn kinh phí 45 tỷ đồng, UBND tỉnh cấp 1,5ha đất ở gần trường và hiện đang trong giai đoạn thẩm định phương án giải phóng mặt bằng và xây dựng một số hạng mục phụ trợ trong năm 2019, dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Khi hoàn thành cơ sở 2, Trường sẽ bảo đảm đầy đủ xưởng thực hành chuẩn cho học sinh học nghề, ký túc xá cho học sinh nội trú, khu cây xanh, sân thể thao cho các em tập luyện. Đây sẽ là cơ sở để nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín của mình.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa