Thứ 4, 25/12/2024, 01:18[GMT+7]

Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Trạm Y tế xã Tam Quang

Thứ 6, 25/10/2019 | 17:29:30
4,275 lượt xem
Triển khai thực hiện khám chữa bệnh hiệu quả bằng phương pháp y học cổ truyền, Trạm Y tế xã Tam Quang đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người dân trong và ngoài xã.

Người dân điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại Trạm Y tế xã Tam Quang

Bị đau khớp gối đã nhiều năm nên bà Đoàn Thị Xuân, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) đã lựa chọn điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Nếu như trước đây bà phải lặn lội đi nhiều nơi xa để điều trị bằng phương pháp này thì thời gian gần đây, bà chỉ cần đi quãng đường chưa đầy 1km để chữa bệnh. Bà Xuân cho biết: Tôi điều trị bệnh đau khớp gối ở Trạm Y tế xã Tam Quang đã được gần 1 tuần và nhận thấy bệnh tình thuyên giảm rất nhiều. Được các bác sĩ, y tá ở đây thăm khám và hỏi han chu đáo, nhiệt tình, tôi cảm thấy rất phấn khởi.

Triển khai khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền từ tháng 12/2017, Trạm Y tế xã Tam Quang đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trạm hiện có 5 cán bộ trong đó có 1 bác sĩ chuyên trách về y học cổ truyền. Trung bình mỗi tháng, Trạm đón tiếp trên 100 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bằng y học cổ truyền. Các bệnh nhân đến khám và điều trị chủ yếu là các bệnh mãn tính như viêm khớp, đau thần kinh tọa, thoái hoá cột sống... Sau khi điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp, bấm huyệt, sức khoẻ của các bệnh nhân đều có tiến triển tốt.

Ngoài ra, Trạm Y tế xã Tam Quang còn chú trọng quan tâm phát triển vườn cây thuốc nam mẫu kết hợp với các phương pháp cổ truyền trong điều trị bệnh cho người dân trong và ngoài xã. Với diện tích hơn 50m2, vườn cây thuốc nam mẫu tại Trạm hiện có khoảng hơn 40 loại cây thuốc nam thuộc 8 nhóm thuốc khác nhau, mỗi nhóm thuốc đều có biển phân loại, ghi tên khoa học của từng nhóm để người dân dễ dàng nhận biết. Đồng thời, Trạm cũng khuyến khích người dân mang cây thuốc nam về nhân giống, trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng. Việc xây dựng vườn thuốc nam là một trong những yếu tố thu hút người dân đến khám, chữa bệnh, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ. Bác sĩ Nguyễn Nam Khánh, Trạm Y tế xã Tam Quang cho biết: Nếu nhiều người biết sử dụng thuốc nam chữa bệnh sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí cho người bệnh. Vì vậy, cán bộ y tế của trạm xác định sẽ thường xuyên chăm sóc, duy trì và phát triển vườn cây thuốc nam mẫu để hướng dẫn bà con sử dụng. Việc gìn giữ, phát huy vườn thuốc nam tại trạm y tế là điều rất cần thiết để khuyến khích phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền, nâng cao hiệu quả đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong năm 2019, ngoài việc duy trì vườn thuốc nam và phòng khám, tư vấn, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, Trạm Y tế xã Tam Quang đã được hỗ trợ máy điện châm để nâng cao chất lượng, khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Trạm là chưa có tủ thuốc y học cổ truyền và một số phương tiện chế biến dược liệu khác. Việc sưu tầm, ứng dụng bài thuốc hay, cây thuốc quý còn hạn chế.

Bác sĩ Đặng Văn Thưởng, Trưởng trạm Y tế xã Tam Quang cho biết: Thời gian tới, Trạm Y tế xã Tam Quang sẽ tiếp tục hoàn thiện vườn thuốc nam mẫu và tư vấn cho người dân để người dân biết cách sử dụng thuốc nam ngay tại gia đình. Đẩy mạnh việc khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền trong đó tập trung vào các kỹ thuật đông tây y kết hợp như châm cứu, thủy châm, bấm huyệt... Tăng cường sưu tầm các tài liệu về cây thuốc nam nói riêng, y học cổ truyền nói chung để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm.

Thu Hoài


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày