Thứ 5, 28/11/2024, 05:33[GMT+7]

Bình Định liên kết sản xuất lúa giống

Thứ 2, 28/10/2019 | 08:10:32
1,098 lượt xem
Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, xã Bình Định (Kiến Xương) đã dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp cấy lúa giống, có bao tiêu sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

ThaiBinh Seed thu mua thóc tươi ngay tại ruộng cho người dân tham gia mô hình liên kết.

Bình Định là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Kiến Xương với 530ha. Những năm trước, việc sản xuất lúa thương phẩm chỉ giúp nông dân ổn định lương thực cho gia đình. Nhưng từ khi xã tích cực dồn điền đổi thửa, quy hoạch thành vùng, đặc biệt là từ khi HTX SXKD DVNN xã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed vận động gần 640 hộ nông dân góp ruộng xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống thì cây lúa thực sự trở thành cây hàng hóa, giúp bà con nông dân nơi đây vươn lên làm giàu. Toàn xã có 143ha chuyên cấy lúa giống BC15, TBR225 cho ThaiBinh Seed. 

Ông Trần Xuân Bộc, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Trước đây, HTX đã liên kết với một số công ty trong và ngoài tỉnh, tổ chức cho bà con xã viên sản xuất lúa hàng hóa, song mấy vụ nay HTX chỉ liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed bởi liên kết này bền vững và mang lại hiệu quả cao nhất cho bà con xã viên. Liên kết sản xuất lúa giống có nhiều ưu điểm nên các hộ xã viên hưởng ứng nhiệt tình như: quy hoạch được vùng cấy lúa tập trung tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, giảm sức lao động, giảm chi phí đầu vào; được công ty cung ứng giống chất lượng sau thu hoạch lúa mới phải trả tiền; công ty phối hợp với HTX tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cấy, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho bà con xã viên tham gia mô hình. Với HTX thì việc liên kết tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành sản xuất trong gieo cấy, chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh tập trung, đúng lịch thời vụ... Khi thu hoạch được Công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn gấp 1,3 - 1,5 lần lúa thịt tại thị trường ở cùng thời điểm.

Vụ mùa này, do được đầu tư sản xuất đúng quy trình nên lúa được mùa, năng suất cao; sản phẩm thu hoạch đến đâu được công ty về tận nơi thu mua thóc tươi ngay đến đó nên bà con nông dân ai cũng phấn khởi. 

Bà Hồ Thị Lan, thôn Công Bình cho biết: Tôi tham gia mô hình liên kết cấy lúa giống BC15 nhiều năm nay với diện tích 8 sào. Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh nên lúa được mùa, năng suất bình quân 2,8tạ/sào, có ruộng còn đạt 3 tạ/sào, thu được trên 16 triệu đồng. Tôi mong ThaiBinh Seed tiếp tục liên kết và mở rộng vùng sản xuất để giúp thêm nhiều nông dân trong xã được tham gia mô hình, yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Vụ mùa này, gia đình chị Trần Thị Phin, thôn Tân Đông cũng cấy 1 mẫu BC15 kháng đạo ôn trên cánh đồng lớn. Hiện gia đình chị đã thu hoạch xong, năng suất lúa bình quân 2,8 tạ/sào. Thu hoạch, cân thóc xong cho công ty chị chắc chắn có trong tay 20 triệu đồng, một số tiền mà trước đây cấy lúa thường gia đình chị không bao giờ mơ đến. 

Chị Phin cho biết: Cấy lúa theo mô hình liên kết hạn chế được sâu bệnh, tiết kiệm nước và chi phí sản xuất, năng suất cao và còn được công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa thịt, cũng không phải vất vả phơi thóc vì công ty thu mua luôn thóc tươi.

Năm nay cũng là năm thứ 11 xã Bình Định liên kết với ThaiBinh Seed tổ chức cấy lúa giống trên cánh đồng mẫu lớn nên bà con đều nắm vững quy trình thâm canh. Riêng vụ mùa năm 2019, do được mùa, nông dân Bình Định cung ứng trên 500 tấn thóc giống cho ThaiBinh Seed, thu về gần 4 tỷ đồng. Do vậy, vụ xuân năm 2020, HTX SXKD DVNN xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các thôn mở rộng diện tích sản xuất lúa giống liên kết với ThaiBinh Seed lên 250 - 350ha.  

Việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm không chỉ bảo đảm được đầu ra ổn định cho nông sản, giúp nông dân xã Bình Định nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác, là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang mà còn giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Nhóm phóng viên



 




  • Từ khóa