Thứ 3, 30/07/2024, 05:17[GMT+7]

Tăng trưởng kinh tế song hành cả chất và lượng

Thứ 2, 28/10/2019 | 08:23:04
1,184 lượt xem
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Thời điểm này, cả hệ thống chính trị cũng như các địa phương trong tỉnh đang dồn sức để về đích với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải song hành cả chất và lượng.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Damsan (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình).

Gần 40.000 tỷ đồng là giá trị đạt được trong 9 tháng của tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (tăng 10,22% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 72,4% kế hoạch năm 2019). Đây là cả sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cũng như sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp của các cấp trong tỉnh. Bởi những tháng đầu năm là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với ngành chăn nuôi. Bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi khiến người chăn nuôi lợn trong tỉnh lao đao và gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra nhiều sức ép trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh (nhất là các chính sách mới) và công tác chỉ đạo, điều hành ở một số ngành, địa phương chưa tốt, vận dụng thiếu linh hoạt, chưa nhất quán dẫn tới lúng túng, chậm trễ trong tổ chức thực hiện; trình độ, năng lực và ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra... cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của tỉnh từ đầu năm đến nay.

Nhận thức sâu sắc những khó khăn đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải song hành cả chất và lượng. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tập trung phòng, chống dịch và khắc phục thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra, ngành Nông nghiệp còn quan tâm phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản nhằm bù đắp lại những thiệt hại của chăn nuôi lợn như: triển khai tốt đề án sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt với tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt gần 129.000ha; xây dựng cánh đồng lớn được mở rộng với tổng số 207 cánh đồng lớn tại 125 xã, thị trấn có liên kết, bao tiêu sản phẩm; chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; chủ động duy trì và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản... Chính vì thế, đến hết tháng 9/2019, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ giảm 1,69%; trong đó trồng trọt tăng 2%, thủy sản tăng 6,9% và chăn nuôi giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Mô hình sản xuất rau an toàn của xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Bù đắp lại những thiệt hại của ngành Nông nghiệp, tỉnh còn quan tâm nhiều hơn tới phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Bám sát mục tiêu đã đề ra, các địa phương chú trọng khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thường xuyên rà soát hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Trong hoạt động đầu tư xây dựng, các ngành, địa phương chủ động phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhất là các dự án đầu tư lớn, trọng điểm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực sản xuất công nghiệp và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 200/283 dự án đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với giá trị sản xuất ước tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh có giá trị tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 như: sản phẩm thép cán tăng 80,6%, sản phẩm cấu kiện nhà san lấp bằng kim loại tăng 46,4%, điện sản xuất tăng 44,6%, sản phẩm Nitrat Amoni tăng 18,2%... Sự kiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư; đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ cũng có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh nói chung và các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải nói riêng trong công tác thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Đến nay, tỉnh đã quyết định thành lập khu công nghiệp Thaco - Thái Bình đồng thời tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến đến 31/10/2019 bàn giao 190/194,24ha đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Thời gian còn lại của năm 2019 không còn nhiều, do đó các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2019 ở mức cao nhất, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Đến hết tháng 9/2019:
  • Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 109.206 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm 2018;
  • Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,55%; công nghiệp và xây dựng chiếm 40,4%; dịch vụ chiếm 36,05%;
  • Toàn tỉnh có 263/263 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 1 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.
  • Toàn tỉnh có 111 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm gần 14.798 tỷ đồng, tăng 25% về số lượng dự án và 3,6 lần về vốn so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 60 dự án mới và 51 dự án điều chỉnh;
  • Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.377 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 11.631 tỷ đồng, đạt 108,8% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, thu nội địa ước đạt 5.060 tỷ đồng, đạt 80,2% dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018;
  • Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 8.478,6 tỷ đồng, đạt 79% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 40,9% tổng chi ngân sách địa phương;
  • Toàn tỉnh có 6.908 doanh nghiệp, 870 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 72.327 tỷ đồng.

Minh Hương 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày