Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp
Mặc dù trải qua hơn 10 lần phẫu thuật vì căn bệnh đại tràng bẩm sinh, mất 80% sức khỏe nhưng giờ đây, anh Nguyễn Văn Tưởng, thanh niên họ giáo Khuốc, thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu (huyện Đông Hưng) đã trở thành triệu phú nhờ trồng nấm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Tưởng cho biết: Năm 2008, được chị gái gợi ý, anh nung nấu ý tưởng làm giàu bằng nấm, muốn biến nấm thành một loại rau sạch được bày bán thông dụng trên thị trường. Nghĩ là làm, anh lên Học viện Nông nghiệp đăng ký khóa học ngắn ngày về kỹ thuật trồng, chế biến nấm và đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm hiệu quả ở các tỉnh, thành phố. Đầu năm 2009, anh Tưởng quyết định tận dụng hơn 200m2 đất xây dựng lán, trại bắt đầu đưa nấm về trồng. Anh chủ yếu thu gom nguồn rơm, rạ, mùn cưa sẵn có tại địa phương về ủ trồng nấm và do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cứ làm 1.000 bịch nấm thì khoảng 500 bịch cho thu hoạch, còn lại bị hỏng. Tuy vậy, anh Tưởng vẫn quyết theo đuổi trồng nấm đến cùng. Năm 2012, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nấm của thị trường ngày càng lớn, anh Tưởng vay mượn thêm 300 triệu đồng từ ngân hàng, người thân, bạn bè để đầu tư xây dựng trang trại, mua sắm lò hấp, lò sấy khử trùng để phục vụ cho quá trình sản xuất với quy mô lớn. Nhờ tích cực áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, các loại nấm trong trang trại của anh Tưởng luôn phát triển tốt, lứa này gối lứa kia, nấm hái đến đâu được tiêu thụ hết ngay tới đó. Sau 10 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay, anh Tưởng duy trì 2 vạn bịch nấm các loại: nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm. Gia đình anh thu hoạch nấm từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Nấm được chăm sóc khoa học nên cho năng suất cao, có bịch nấm cho gần 1kg nấm trong 1 lần thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm trồng nấm.
Mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, với việc sử dụng loại enzim được chế biến từ tỏi, mô hình nuôi tôm “không kháng sinh” của chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hợp Phố, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Thủy cho biết: Với quyết tâm để đàn tôm phát triển khỏe mạnh, an toàn và sạch bệnh, chị mạnh dạn áp dụng những kiến thức được tập huấn về nuôi tôm an toàn theo hướng hữu cơ vào quá trình nuôi tôm của gia đình. Với 3,5ha ao đầm nuôi tôm, chị Thủy chia làm 3 ao nuôi, các ao đều có hệ thống xử lý chất thải, lắng lọc riêng. Trong quá trình nuôi tôm, chị ngâm ủ thành công chế phẩm sinh học Enzim tỏi và các loại trái cây (mía, ngô, đậu, lạc, chuối, vỏ dứa…) thay thế kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm. Sử dụng Enzim tỏi nên môi trường ao nuôi sạch, tôm khỏe, năng suất, sản lượng tôm của cao hơn. Hiện tại, gia đình chị Thủy có 3.5ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 1 máy xúc phục vụ xây dựng, 7 con bò, hơn 800 con gà, vịt lấy thịt. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị Thủy thu lãi hơn 700 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 10 lao động mùa vụ, 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng lập nghiệp tại quê hương, anh Vũ Công Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện Quỳnh Phụ chọn nước uống tinh khiết đóng chai cung cấp cho các trường học, công ty, xí nghiệp làm hướng đi của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2011, anh Long trở về quê hương khởi nghiệp. Anh lựa chọn về quê lập nghiệp vừa để làm giàu cho bản thân vừa để tạo cơ hội việc làm cho các thanh niên tại địa phương. Do chưa có kinh nghiệm nên ban đầu anh Long cũng gặp không ít thất bại. Sau những lần vấp ngã, anh rút ra bài học và lấy đó làm động lực để phấn đấu. Năm 2015, công ty anh Long nhập về dây chuyền sản xuất đá viên công nghiệp đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ với công suất 10 tấn/ngày. Sau gần 9 năm đi vào hoạt động, đến nay công ty của anh Long đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài huyện bằng chất lượng sản phẩm và mẫu mã phù hợp. Doanh thu mỗi năm của công ty đạt khoảng 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động, việc làm thời vụ cho 5 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Tưởng, chị Thủy, anh Long chỉ là 3 trong số hàng nghìn thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thành công tại quê hương mình. Các anh, các chị cũng là những người tích cực tham gia các hoạt động của đoàn, hội, sẵn sàng chia sẻ với những bạn trẻ gặp khó khăn trong khởi nghiệp. Với các anh, các chị, tổ chức đoàn, hội là cầu nối khởi nghiệp của thanh niên. Không chỉ trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên, tổ chức đoàn, hội còn phối hợp các các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia, doanh nhân tập huấn, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tham gia tổ chức đoàn, hội, thanh niên cũng được tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế thông qua các mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế… Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, 5 năm qua, hội liên hiệp thanh niên các cấp đã phối hợp tổ chức 34 lớp chuyển giao khoa học công nghệ cho 1.460 thanh niên; tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho 313.270 đoàn viên, thanh niên khối trường THPT; tuyên dương 212 doanh nghiệp trẻ, gương thanh niên phát triển kinh tế. Cũng từ các hoạt động đồng hành này đã hình thành một lớp thanh niên dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các hội viên; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho quê hương, đất nước.
Xuân Phương
Tin cùng chuyên mục
- Thái Thụy: Xét xử lưu động 2 vụ án hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý 24.12.2024 | 21:13 PM
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Chi cục Hải quan Thái Bình và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vì sự phát triển của doanh nghiệp 24.12.2024 | 18:30 PM
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025 24.12.2024 | 18:32 PM
- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới về lĩnh vực giao thông, vận tải 24.12.2024 | 18:33 PM
- Đánh giá, xác nhận xã An Ninh và Tây Giang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 24.12.2024 | 18:33 PM
- Quất bonsai, quất thế hút khách dịp tết 24.12.2024 | 17:19 PM
- Triển khai công tác y tế năm 2025 24.12.2024 | 17:21 PM
- Lựa chọn các tác phẩm thật sự xuất sắc để trao Giải Diên Hồng lần thứ ba-năm 2025 24.12.2024 | 16:20 PM
- Kênh nào trực tiếp Đội tuyển Việt Nam đá bán kết AFF Cup 2024? 24.12.2024 | 15:55 PM
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng