Thứ 6, 22/11/2024, 23:27[GMT+7]

Những lễ hội tháng 11 hấp dẫn tại các quốc gia châu Á

Thứ 2, 28/10/2019 | 09:47:25
3,238 lượt xem
Bon Om Touk, Soorya Arts, That Luang, Loi Krathong... là những lễ hội tháng 11 hấp dẫn mà bạn có thể tham gia khi đi du lịch đến những quốc gia châu Á.

Cuộc thi đua thuyền trong lễ hội nước Bon Om Touk.

1. Lễ hội nước Bon Om Touk (Campuchia)

Lễ hội nước Bon Om Touk vô cùng đặc sắc và vui nhộn, diễn ra vào tháng 11 dương lịch hằng năm vào kéo dài trong 3 ngày. 

Bon Om Touk còn được gọi là lễ hội Nhật Nguyệt, thường được tổ chức trùng với dịp trăng tròn trong tháng Phật giáo Katdeuk, đánh dấu sự chấm dứt của mùa mưa và cầu mong cho một mùa vụ sau tốt tươi.

Các lễ hội nhỏ sẽ diễn ra ở khắp Campuchia, sự kiện chính là lễ hội đua thuyền thì được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh với sự tham gia của hơn 400 thuyền đua. Ngoài ra, một số sự kiện khác cũng được tổ chức tại Siem Reap. 

Đua thuyền là sự kiện mà các làng phải dành nhiều tháng để chuẩn bị. Các đội phải liên tục luyện tập và trang trí thuyền trướckhi tham gia lễ hội, kinh phí là do dân làng cùng góp lại. 

Vào ngày diễn ra đua thuyền, đông đảo người dân sẽ tập trung bên bờ sông cổ vũ cho những đội thuyền yêu thích. Sau khi cuộc đua kết thúc, người dân có thể tạt vào các quầy hàng để thưởng thức những món ăn truyền thống, xem các buổi trình diễn âm nhạc miễn phí.

Nghi thức Sampeah Preah Khae sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội, còn được gọi là lời chào mặt trăng và là dịp để người dân cầu nguyện về một mùa màng bội thu sau đó. Tại lễ này, sau thời khắc nửa đêm khi người dân Campuchia tập trung tại các đền thờ để cầu nguyện dưới ánh trăng, họ sẽ cùng nhau ăn món “auk ambok” - món cơm được cán dẹt, chiên lên và ăn kèm với chuối, dừa.

2. Lễ hội Soorya Arts (Ấn Độ)

Tháng 11 nếu đi du lịch Ấn Độ, bạn có thể tham gia vào lễ hội Soorya Arts. Đây được coi là lễ hội dài nhất thế giới vì kéo dài 111 ngày, từ ngày 21/9 đến ngày 10/1 năm sau.

Trong suốt mùa lễ hội lớn này, có rất nhiều hoạt động chính diễn ra như chiếu phim, video, các buổi biểu diễn âm nhạc, nhảy múa, vẽ tranh, trình diễn nghệ thuật dân gian…

Lễ hội Soorya Arts (Ấn Độ)

Trình diễn nghệ thuật dân gian trong lễ hội Soorya Arts (Ấn Độ). 

Ngoài ra, từ ngày 2/11 cho đến hết tháng còn có các lễ hội nổi bật khác. Vì mùa này, lễ hội sẽ diễn ra trên khắp đất nước Ấn Độ nên đến bất cứ thành phố hoặc vùng miền nào, bạn cũng có thể hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt của lễ hội. 

3. Lễ hội That Luang (Lào)

Theo tiếng Lào, That Luang có nghĩa là “ngọn tháp linh thiêng". Lễ hội That Luang diễn ra tại chùa That Luang - Viêng Chăn vào ngày trăng tròn tháng 11 âm lịch. Lễ hội này từ lâu đã được coi là ngày hội của sự đoàn tụ, đoàn kết dân tộc, là sự kiện hàng năm và có ý nghĩa quan trọng cả về văn hóa, lịch sử và tâm linh. Vào dịp này mỗi năm, hàng nghìn tăng, ni, phật tử ở khắp đất nước đều hội tụ về chùa cổ That Luang để tham dự lễ hội.

 Lễ hội That Luang

Người dân Lào tập trung về chùa That Luang tham gia lễ hội.

Trong suốt 3 ngày lễ hội, tất cả tổ chức, trường học đều đóng cửa. Mọi người nô nức mua hoa để trang trí, tham gia vào đoàn người thắp nến và diễu hành, nhảy múa trong tiếng nhạc cổ truyền. 

Lễ hội That Luang gồm 2 phần: Phần lễ và Phần hội. Trong đó phần Hội chủ yếu là các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức từ ẩm thực đến văn nghệ, văn hoá, thể thao, mua bán, triển lãm. 

4. Lễ hội Karatsu Kunchi (Nhật Bản)

Lễ hội Karatsu Kunchi được tổ chức thường niên từ ngày 2 - 4/11 tại đền Karatsu-Jinja, thành phố Karatsu, với mục đích tạ ơn thần đền Karatsu đã ban cho người dân vụ thu hoạch tốt.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, những cỗ xe với nhiều hình thù khác nhau liên tục diễu hành qua các con phố. Cứ 1 cỗ xe kiệu (hikiyama) sẽ có khoảng từ 150 đến 300 người từ trẻ em đến người lớn kéo đoạn dây thừng dài chở kiệu đi quanh thành phố. Không gian lễ hội vô cùng náo nhiệt với những tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả.

Lễ hội Karatsu Kunchi (Nhật Bản)

Nhiều người kéo cổ xe kiệu đi diễu hành quanh thành phố.

5. Lễ hội Ohara, Nhật Bản

Lễ hội Ohara Matsuri diễn ra từ ngày 2 - 3/11. Đây là lễ hội mùa thu lớn nhất ở Nam Kyushu, một đoàn có khoảng  22.000 vũ công diễu hành trên đường, nhảy theo điệu nhạc dân gian “Ohara-bushi”. Lễ hội này thu hút đến 600.000 người tham dự mỗi năm.

Các vũ công nhảy múa và diễu hành trên đường phố

Các vũ công nhảy múa và diễu hành trên đường phố.

Một nghi thức đặc biệt trong lễ hội này là Betchya. Nghi thức sẽ diễn ra tại đền Kibitsu-hiko, Onomichi, quận Hiroshima, những người đàn ông sẽ đeo mặt nạ hoặc ăn mặc giống sư tử, chạy trên những con đường đông đúc tìm trẻ em để đánh chúng bằng roi tre. Truyền thuyết cho rằng trẻ em bị đánh bằng cách này sẽ không bị bệnh tật trong năm tới. 

Ngoài ra, còn có ngày hội Awa Puppet Theatre, trong đó người ta sẽ biểu diễn những vở kịch rối ở ngoài trời vào ngày 3 tháng 11. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người Nhật Bản.

6. Lễ hội Voi Surin (Thái Lan)

Diễn ra hàng năm vào thứ 7 của tuần thứ 3 tháng 11, tại Surin, Thái Lan. Lễ hội không chỉ nổi tiếng với người dân địa phương mà cả đối với du khách nước ngoài. Vào ngày này, sẽ có hơn 200 con voi tham dự lễ và thể hiện những kỹ năng mà chúng tập luyện trong năm. Những chú voi sẽ được trang trí, vẽ lên mình những màu sắc thật sặc sỡ rồi trình diện trước tất cả mọi người.

Những chú voi biểu diễn tài nghệ đã được học.

Những chú voi biểu diễn tài nghệ đã được học.

Trong 2 ngày lễ hội, chúng sẽ có dịp thể hiện “tài năng” của mình qua những điệu nhảy, đua, chơi bóng đá và cả kéo co với người. Đây cũng là dịp thể hiện tình yêu của người dân đối với loài động vật được yêu quý nhất của Thái Lan.

7. Lễ hội hoa đăng Loi Krathong (Thái Lan)

Lễ hội hoa đăng Loi Krathong thường được tổ chức vào ngày rằm của tháng thứ 12 trong lịch âm truyền thống của người Thái, nhằm tháng 11 theo dương lịch. 

Vào đêm rằm, hàng nghìn người Thái và du khách sẽ tụ tập bên các dòng sông, kênh hay thậm chí là ao hồ và biển, cầu nguyện trong im lặng và sau đó cẩn thận thả bè của mình theo dòng nước. Các phao nhỏ đựng hoa, hương và nến được thắp sáng sẽ nhẹ nhàng trôi đi. Một số người còn thả bè vào trong chậu nước ở nhà.

Người Thái tin rằng thả bè trên sông như vậy là vinh danh và thể hiện lòng kính trọng của họ đối với Thủy thần. Ngoài ra, thả bè còn là để tạ lỗi với Thủy thần vì đã làm ô nhiễm con sông trong năm trước. 

Lễ hội hoa đăng Loi Krathong

Lễ hội hoa đăng Loi Krathong.

Ở bất cứ đâu trên đất Thái cũng diễn ra lễ hội này. Nhưng sôi nổi nhất có lẽ là tại thành phố Bangkok, với hàng dài các đoàn diễu hành đánh trống, các buổi biểu diễn văn nghệ và âm nhạc truyền thống của Thái, giải trí dân gian, bắn pháo hoa và nhiều trò chơi hấp dẫn khác.

Cũng mang ý nghĩa như vậy nhưng ở Chiang Mai, họ không thả bè mà thả lồng đèn Khổng Minh (đèn trời). Họ tin rằng những chiếc lồng đèn bay lên cao sẽ đem theo những phiền não của họ. Còn ở tỉnh Tak, một chuỗi lồng đèn sẽ được kết lại với nhau và thả lên cùng lúc. 

Thả đèn trời ở Chiang Mai.

Thả đèn trời ở Chiang Mai.

Nếu du lịch Thái Lan vào tháng 11, bạn đừng bỏ qua lễ hội thú vị này. 

Theo dulichvietnam.com.vn

  • Từ khóa