Thứ 7, 02/11/2024, 18:26[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Thứ 2, 28/10/2019 | 14:53:42
1,570 lượt xem
Bắt đầu tuần làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Đại biểu Bùi Quốc Phòng phát biểu tại hội trường.

Audio: 29102019_tin_quoc_hoi_mixdown.mp3

Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cũng đánh giá cao các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất. Các quy định của dự thảo Luật bám sát nguyên tắc dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, vững mạnh, rộng khắp, tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả, bám sát tình hình, xu hướng công tác quân sự, quốc phòng, đặc thù trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với quy định về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình là công dân nam có đủ từ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ có đủ từ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ, quy định như vậy là phù hợp. Vì từ thực tế biên chế cán bộ, công chức, người lao động hiện nay tại cơ quan các sở, ban, ngành ở địa phương, để duy trì có từ 01 tiểu đội tự vệ trong thời gian dài là có khó khăn nên ngoài việc tình nguyện tham gia dân quân tự vệ đề nghị cân nhắc quy định kéo dài thêm thời gian, tạo điều kiện để các cơ quan khắc phục khó khăn về con người trong việc tổ chức lực lượng tự vệ; về đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình, đề nghị bỏ quy định về đối tượng là vợ hoặc chồng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, vì đối tượng này thực tế họ đều đã trên 60 tuổi và quá độ tuổi quy định; về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, qua khảo sát cho thấy công tác xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp hoạt động theo dây chuyền, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chủ doanh nghiệp là người nước ngoài rất khó khăn, đề nghị cân nhắc để có quy định cụ thể hơn tạo thuận lợi trong thực hiện luật; đề nghị bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện và giám sát thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh, chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; về chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ, đề nghị xem xét nâng trợ cấp lên trên mức hiện hành, góp phần động viên họ nâng cao chất lượng huấn luyện;…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)


 

  • Từ khóa