Thứ 4, 15/01/2025, 12:00[GMT+7]

Máy cuốn rơm rạ - góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ 2, 04/11/2019 | 08:57:40
4,556 lượt xem
Máy cuốn rơm rạ là giải pháp tối ưu giải quyết bài toán xử lý rơm rạ sau thu hoạch đang được một số tỉnh áp dụng. Với chủ trương phát triển đàn trâu, bò thời gian tới, ngành Nông nghiệp đang có định hướng áp dụng mô hình này vừa giúp giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ, vừa tạo nguồn thức ăn thô cho chăn nuôi, tạo sinh kế cho người dân.

Trình diễn máy cuốn rơm rạ trên cánh đồng xã Vũ Hội (Vũ Thư).

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Hiện nay, ở tỉnh ta, cơ giới hóa trong nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là khâu thu hoạch lúa (trên 90% diện tích). Ước tính, lượng rơm rạ sau thu hoạch khoảng 1 triệu tấn, trong đó có khoảng 300.000 tấn có thể sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò. Mặc dù ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình, tích cực khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ khoa học, hợp lý, như: sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, thu gom rơm rạ làm thức ăn cho gia súc, ủ phân hoặc tích trữ làm nguyên liệu trồng nấm... Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nông nghiệp, thời gian chuyển vụ nhanh, phần nhiều bà con nông dân muốn nhanh gọn, thuận tiện nên đã chọn cách đốt rơm rạ tại đồng, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tác động xấu đến hiệu quả sản xuất trong những vụ tiếp theo... Việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sẽ phá vỡ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hoá, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, từ đó gia tăng sâu bệnh hại trong khi đây lại là nguồn nguyên liệu sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, làm phân bón...

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; đề án của UBND tỉnh về phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, thời gian tới, đàn trâu, bò tăng dẫn tới nhu cầu sử dụng rơm rạ làm thức ăn tăng theo. Hiện nay, người dân trong tỉnh thu gom rơm rạ bằng phương pháp thủ công, tốn nhiều công lao động mà lượng rơm rạ thu được lại không nhiều. Để giải quyết những tồn tại trên và tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa cơ giới hóa vào khâu sau thu hoạch, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tổ chức hội thảo đầu bờ trình diễn máy cuốn rơm rạ phục vụ chăn nuôi trâu và các bò nhận được nhiều quan tâm, đánh giá cao của cả nông dân, chủ trang trại. 

Ông Phạm Văn Quý, xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho biết: Máy cuốn rơm rạ nếu đưa về đồng ruộng Vũ Hội sẽ giải quyết được tình trạng đốt rơm rạ đang diễn ra gây nhiều bức xúc hiện nay, vừa giải quyết bài toán môi trường, nông dân chúng tôi lại có thêm phần thu nhập từ bán rơm rạ.

Anh Đoàn Văn Cường, chủ trang trại chăn nuôi bò thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho biết: Trang trại của tôi được xây dựng với diện tích 5ha, hiện đang nuôi 60 con bò. Để chủ động nguồn thức ăn thô cho bò, tôi mua rơm được cuốn bằng máy của các chủ máy ở một số tỉnh lân cận với giá 1.200 - 1.400 đồng/kg tùy thuộc chất lượng rơm. Được trực tiếp tham quan máy cuốn rơm rạ hoạt động trên đồng ruộng, thời gian tới, tôi dự định góp vốn cùng một số chủ trang trại khác đầu tư mua máy để phục vụ chăn nuôi của gia đình, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Máy cuốn rơm rạ trình diễn tại hội thảo có giá khoảng 400 triệu đồng, tiêu tốn ít nhiên liệu. Máy vận hành cần từ 2 - 3 người, mỗi giờ máy cuốn được 20 - 25 cuộn rơm với trọng lượng từ 12 - 15kg/cuộn (rơm khô). Trung bình mỗi ngày, máy cuốn rơm rạ cho diện tích từ 7 - 8ha. Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, mỗi cuộn rơm sau khi được xử lý có thể làm thức ăn cho 2 con bò/ngày. Ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, không chỉ có Thái Bình mà nhiều địa phương trong cả nước đã thay đổi cơ cấu đàn vật nuôi, phát triển đàn trâu, bò thương phẩm. Đây là thị trường tiềm năng để phát triển, mở rộng máy cuốn rơm rạ.

Việc đưa máy cuốn rơm rạ vào sản xuất là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác. Mong rằng thời gian tới, những chiếc máy này sẽ xuất hiện trên đồng ruộng Thái Bình, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngân Huyền

  • Từ khóa