Thứ 2, 29/07/2024, 01:18[GMT+7]

Nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động tại làng nghề

Thứ 3, 05/11/2019 | 14:48:49
643 lượt xem
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn lao động, chết 19 người; 9 tháng đầu năm 2019 xảy 40 vụ, chết 8 người, trong đó có những vụ tai nạn lao động xảy ra tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương. Trên thực tế, việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các làng nghề hiện nay còn nhiều hạn chế.

Nghề chạm bạc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động nhưng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động chưa được quan tâm.

Tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) nơi có trên 150 tổ sản xuất với gần 2.000 lao động làm nghề và hàng nghìn lao động thời vụ. Bên cạnh việc không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ như người vận hành máy móc chưa được tập huấn về an toàn lao động thì nhận thức của NLĐ về ATVSLĐ cũng hạn chế. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Chi hội chạm bạc mỹ nghệ Đồng Xâm cho biết: NLĐ đến làm việc đều được chủ cơ sở trang bị bảo hộ lao động như làm đột dập có gang tay, mài bụi có khẩu trang nhưng nếu chủ cơ sở không nhắc nhở NLĐ cũng không sử dụng. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, mất ATVSLĐ.

Còn tại làng Vế, xã Canh Tân (Hưng Hà) nơi có gần 600 hộ gia đình trong thôn làm nghề mộc, chiếm 78% số hộ của thôn, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động trong xã và các xã lân cận, thu nhập bình quân của người dân từ 3 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm của làng đạt bình quân 110 tỷ đồng từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh việc tăng năng suất lao động, làm ra nhiều sản phẩm thì nguy cơ về mất ATVSLĐ cũng tăng cao. Hầu hết các chủ cơ sở trong thôn sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng không khai báo. Người vận hành máy móc cũng chưa được tập huấn sử dụng về ATVSLĐ. Ngoài ra, nghề mộc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tiếng ồn, bụi, đặc biệt là hóa chất độc hại.

Theo ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), nguyên nhân của những hạn chế về công tác ATVSLĐ trong khu vực làng nghề thời gian qua là do mô hình tổ chức quản lý ATVSLĐ khu vực phi chính thức ở cơ sở chưa cụ thể, rõ ràng; chưa phân định rõ trách nhiệm của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở. Quy hoạch cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề thiếu đồng bộ; ý thức trách nhiệm của người quản lý, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là chế tài áp dụng biện pháp xử lý, xử phạt về ATVSLĐ trong khu vực làng nghề chưa đồng bộ.

Nhiều người lao động tại làng nghề chạm bạc Hồng Thái (Kiến Xương) còn thiếu kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.

Trước thực trạng trên, thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, tỉnh ta đã ban hành các chỉ thị và văn bản chỉ đạo thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó có hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ khu vực phi chính thức. Năm 2018, Sở đã tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho trên 1.300 lao động, hỗ trợ 2 làng nghề mô hình quản lý ATVSLĐ. Từ đầu năm đến nay Sở đã tập huấn nâng cao năng lực ATVSLĐ cho 77 cán bộ cấp tỉnh, huyện; huấn luyện nghiệp vụ về ATVSLĐ cho 130 cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; huấn luyện ATVSLĐ cho 380 người, trong đó có cán bộ quản lý cấp xã và quản lý làng nghề; 360 người là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề của huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong khu vực này còn nhiều hạn chế, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ, tai nạn lao động.

Để giải quyết những hạn chế còn tồn tại về công tác ATVSLĐ tại các cơ sở, làng nghề theo ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động cần phải có những giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương; đồng thời mỗi chủ cơ sở và NLĐ cũng tự nâng cao ý thức và cũng tự trang bị cho cơ sở và bản thân những vấn đề cơ bản nhất trong công tác ATVSLĐ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp và phòng, chống cháy nổ để triệt tiêu các nguy cơ mất an toàn, bảo đảm sự phát triển bền vững cho chính mình và cộng đồng.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày