Báo động gia tăng ô nhiễm nước mặt hệ thống sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai đang ngày càng ô nhiễm.
Nước sông Đồng Nai ô nhiễm hữu cơ
Kết quả quan trắc tháng 8/2019 của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai cho thấy hàng loạt vị trí quan trắc nước mặt trên các sông, suối tại Đồng Nai có nhiều chỉ số không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).
Cụ thể, các chỉ số như hàm lượng Amoni, TSS (tổng rắn lơ lửng); DO (lượng oxy hòa tan trong nước), COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh hoá), dinh dưỡng và vi sinh, E.Coli và Coliform… vượt từ vài lần đến hàng trăm lần quy chuẩn cho phép.
Đặc biệt, kết quả quan trắc các vị trí lấy nước trên sông Đồng Nai đều đi đến kết luận: chất lượng nước không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt sau xử lý. Cụ thể: hàm lượng COD vượt từ 1,1 - 1,3 lần; TSS vượt 1,4 - 4,6 lần; Amoni vượt 1,1 - 2,6 lần; E.Coli vượt 18,6 - 150 lần; Coliform vượt 3 - 9,2 lần.
Thậm chí nước trên sông Đồng Nai đoạn 3 (là đoạn sông có chảy qua khu vực TP. Biên Hòa) được xác định là không phù hợp mục đích cấp nước sinh hoạt do mức độ ô nhiễm quá cao.
Lý giải về tình trạng suy giảm chất lượng nước mặt tại Đồng Nai, ông Lê Văn Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường Đồng Nai) phân tích, các chỉ số ô nhiễm nói trên đều thể hiện sự ô nhiễm hữu cơ. Cụ thể là nguồn ô nhiễm xuất phát từ các hoạt động dân sinh như nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm, số ít các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ nằm xen lẫn giữa các khu vực dân cư.
Ông Bình khẳng định, hiện tại Đồng Nai hoàn toàn không còn các nguồn thải quy mô lớn như nhà máy, khu công nghiệp xả thải ra thượng nguồn sông Đồng Nai.
"Đồng Nai đã kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên. Tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì không được phép đầu tư vào thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai, nơi bố trí các công trình cấp nước sinh hoạt. Tỉnh đã kiểm soát được các nguồn thải lớn đổ vào thượng nguồn sông Đồng Nai", ông Bình cho hay.
Chỉ số ô nhiễm gia tăng trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gây ra nhiều lo ngại cho hàng chục triệu dân các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.
Cũng theo ông Bình, tại Đồng Nai, tất cả các nhà máy hoặc đã được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung được quan trắc online 24/24h, hoặc tỉnh không khuyến khích các dự án đầu tư mới mà có nguy cơ gây ỗ nhiễm môi trường như xi mạ, dệt nhuộm…
Đối với nguồn thải dân sinh, Đồng Nai cũng đang triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt trong các đô thị lớn, nhất là tại TP. Biên Hòa nơi có hơn 1 triệu dân. Khi các dự án này đi vào hoạt động thì cơ bản sẽ giải quyết được nguồn thải dân sinh đổ vào sông Đồng Nai. Dù vậy, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai thừa nhận, để có thể giải quyết ô nhiễm từ nguồn thải dân sinh thì cần có thời gian chứ không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Nghiên cứu các chỉ số ô nhiễm nước mặt theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, thạc sĩ Lê Phú Đông, Trưởng ngành Môi trường, trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng cho rằng, các chỉ số ô nhiễm cho thấy chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, và có thể được xử lý ở các nhà máy nước. Tuy nhiên ông Đông lo ngại nếu không sớm có giải pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là khi sông Đồng Nai đang là nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân trong khu vực.
"Lo ngại nhất là tình trạng này tiếp diễn mà không có những chế tài quản lý đặc biệt hoặc quản lý cụ thể thì sẽ dẫn đến rủi ro nguồn nước mặt đầu vào bị ô nhiễm cao, chi phí, chất lượng nước cấp sẽ bị thay đổi. Nên có những quy định chặt chẽ, chế tài đặc biệt trong việc kiểm soát đối với nguồn thải ra sông, đặc biệt là đối với các khu vực xử lý làm nước cấp", ông Đông cho hay.
Lo ngại an ninh nguồn nước
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn nhất ở Việt Nam với 11 tỉnh, thành nằm trên lưu vực hệ thống sông này. Hiện Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được thành lập với vị trí Chủ tịch Ủy ban được luân phiên hàng năm giữa các tỉnh, thành.
Tuy nhiên ở góc độ quản lý liên vùng, có ý kiến cho rằng, việc bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mới chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận, khuyến cáo giữa các tỉnh, thành trong lưu vực chứ chưa có các ràng buộc cụ thể, rõ ràng về mặt pháp lý. Ngay cả việc phối hợp, chia sẻ thông tin cũng chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Nếu tỉnh này kiểm soát nguồn thải tốt mà tỉnh khác lại không tốt thì việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai sẽ khó có thể đem lại kết quả tích cực.
Do đó, theo tiến sĩ Đinh Công Sản - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), cần thiết phải có các ràng buộc về cơ chế hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
"Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thì ngày càng hiện hữu. Nếu như chúng ta không có một Ủy ban đúng nghĩa để hoạt động, có thể kiểm soát, giám sát được các hoạt động có ảnh hưởng đến lưu vực sông, thì rõ ràng sẽ gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cho lưu vực", ông Sản nói.
Sông Đồng Nai đang ô nhiễm với hàng loạt chỉ số vượt quy chuẩn. Việc kéo giảm ô nhiễm là đòi hỏi cấp bách, là trách nhiệm của các cơ quan hữu trách, của từng tỉnh, thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Bởi sông Đồng Nai ô nhiễm không phải chỉ là câu chuyện của riêng địa phương nào, mà là vấn đề an ninh nguồn nước của hàng chục triệu cư dân vùng Đông Nam bộ./.
Theo VOV
Tin cùng chuyên mục
- Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau 20.04.2025 | 21:10 PM
- Ghi nhận 2 ca tử vong liên quan đến sởi 20.04.2025 | 21:07 PM
- Sau vụ 21 loại thuốc giả, Bộ Y tế yêu cầu rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc 20.04.2025 | 21:08 PM
- Thủ tướng chỉ đạo chi trả lương hưu tháng 5 sớm (từ ngày 25-28/4/2025) 20.04.2025 | 21:09 PM
- Hố đen đơn độc đầu tiên được xác nhận 20.04.2025 | 21:10 PM
- Thăm, động viên lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành 20.04.2025 | 21:09 PM
- Hội Nhà báo Việt Nam - Hành trình “Về nguồn” 20.04.2025 | 17:10 PM
- Hơn 500 vận động viên tham gia giải chạy “BIDV Run - Vì cuộc sống xanh” 20.04.2025 | 15:10 PM
- Quán triệt một số nội dung về hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính 20.04.2025 | 17:11 PM
- Thái Thụy: Triển khai kế hoạch lấy ý kiến của nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 20.04.2025 | 15:42 PM
Xem tin theo ngày
-
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với nội dung Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với số phiếu tuyệt đối 100%
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp thứ 42
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về hợp nhất hai tỉnh
- Gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khoá XVII
- Tập huấn về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
- UBND tỉnh: Làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS) về phương án cấp khí LNG trên địa bàn tỉnh
- Giới thiệu cuốn sách “Đỗ Ngọc Quán - Người cộng sản trung kiên”