Thứ 7, 02/11/2024, 18:24[GMT+7]

Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ 4, 06/11/2019 | 15:05:14
989 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 06/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Tuân chất vấn tại hội trường.

Audio: 07112019_chat_van_va_tra_loi_chat_van_mixdown_copy.mp3

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc 04 lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông. Trách nhiệm trả lời chính thuộc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Cùng tham gia trả lời, có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục áp dụng cách thức tiến hành chất vấn như các kỳ họp trước, mỗi Bộ trưởng có 05 phút báo cáo trước phiên chất vấn; mỗi lượt chất vấn có từ 03 đến 05 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu hỏi 01 phút, Bộ trưởng trả lời không quá 03 phút đối với 01 nội dung chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn; trong quá trình chất vấn, đại biểu có thể tranh luận khi thấy chưa thỏa đáng, thời gian tranh luận không quá 2 phút. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện.

Ngay sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về các nội dung là chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng thời gian qua việc thực hiện Chương trình nông thôn mới mới chủ yếu xây dựng các thiết chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thực sự có sự chuyển biến trong nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế về vấn đề môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Do đó, với trách nhiệm của Bộ chủ quản, đề nghị Bộ trưởng chỉ ra giải pháp gì để thúc đẩy phương thức tổ chức sản xuất, giải quyết tốt môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, người lao động ở khu vực nông thôn trong giai đoạn tới ?

Đại biểu Bùi Văn Xuyền chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 nội dung: một là, Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành với kỳ vọng là sẽ làm bà đỡ cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay thực trạng chỉ có khoảng 30% số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, còn lại rất khó khăn; hai là: mạng lưới cán bộ chăn nuôi thú y ở cơ sở đã bị tinh giản, giải thể rất nhiều sau khi ban hành Luật Thú y. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh và gây ra hậu quả trong thời gian qua. Đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong tình hình hiện nay, nhất là trong điều kiện đang tinh giảm biên chế hiện nay.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

  • Từ khóa