Chủ nhật, 28/07/2024, 23:32[GMT+7]

Phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ 5, 07/11/2019 | 08:02:37
1,705 lượt xem
Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng cao trên địa bàn tỉnh trong hai tháng gần đây, trong đó đáng chú ý có nhiều ca mắc và một số ổ dịch nội sinh. Vì vậy, việc chủ động, quyết liệt phòng, chống bệnh lây lan, không để bùng phát thành dịch là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 298 ca mắc SXH (166 nam, 132 nữ). Số ca mắc nhiều nhất tập trung trong tháng 9 và tháng 10, trong đó tháng 9 ghi nhận 66 ca, tháng 10 ghi nhận 92 ca. Số ca mắc SXH ở cả 8 huyện, thành phố, trong đó thành phố Thái Bình nhiều nhất với 54 ca, ít nhất là huyện Thái Thụy với 16 ca. Toàn tỉnh đã xác định 198 trường hợp dương tính với SXH, trong đó các địa phương có số ca bệnh xét nghiệm dương tính cao là Hưng Hà 42 ca, thành phố Thái Bình 34 ca, Vũ Thư 29 ca. Đặc biệt, 24 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố xuất hiện 45 bệnh nhân mắc SXH nội sinh, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 nhưng chưa có ca bệnh tử vong. 

Trong tổng số 298 ca mắc SXH, nhóm tuổi nhỏ hơn 15 chiếm 9%; nhóm tuổi từ 15 - 45 chiếm 64%; nhóm tuổi lớn hơn 45 chiếm 27%. Nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH diễn biến phức tạp và tăng nhanh là do ý thức phòng, chống bệnh của người dân chưa cao; tình hình bệnh diễn biến phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ y tế mỏng. Các ca bệnh, ổ dịch chủ yếu do người dân đi lao động, học tập từ tỉnh ngoài trở về khi bị SXH. Mặt khác, tại tỉnh, kết quả giám sát qua các năm cho thấy vẫn luôn có sự lưu hành vi rút Dengue trên quần thể muỗi truyền bệnh và gây ra một số ổ dịch nội sinh tại các xã, phường, thị trấn (tăng mạnh vào tháng 8, 9, 10/2019, nhất là tại Hưng Hà và thành phố Thái Bình). Dấu hiệu trên cho thấy, nếu chủ quan trong giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch sẽ là nguy cơ cho dịch bùng phát, lan rộng. Thời gian này đang là cao điểm của bệnh SXH, dự báo đỉnh dịch là tháng 11/2019. Vì vậy, việc duy trì, củng cố, tăng cường phòng, chống dịch thường xuyên là hết sức cần thiết.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh, cập nhật, chủ động tham mưu các biện pháp ứng phó phù hợp, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, chú trọng xử lý triệt để các ổ dịch có ca bệnh nội sinh. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế và mạng lưới cộng tác viên của các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trong tháng 6 và tháng 7, phát động 2 đợt chiến dịch vệ sinh môi trường phạm vi toàn tỉnh phòng, chống dịch bệnh vào tháng 4 và tháng 7. Triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại những điểm có nguy cơ bùng phát dịch và những nơi có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, vận động người dân vệ sinh môi trường để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; diệt lăng quăng bằng cách đậy các vật dụng chứa nước sinh hoạt; thường xuyên lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà. Tuy nhiên, do ý thức chủ quan, thói quen trong sinh hoạt của một số hộ dân chưa thay đổi đã tạo điều kiện cho dịch lây lan.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời điểm bắt đầu tháng 11 đến hết tháng 11 có thể là đỉnh dịch của bệnh SXH. Số trường hợp ghi nhận mắc SXH đang tăng mạnh, trong đó nhóm tuổi từ 15 - 45 có tỷ lệ người mắc cao nhất. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục cập nhật tình hình bệnh dịch, tham mưu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý kịp thời, đúng quy định các trường hợp bệnh, các ổ dịch, các yếu tố nguy cơ xâm nhập và lưu hành ở tỉnh. Giám sát, cảnh báo các chỉ số côn trùng truyền bệnh, trọng tâm bệnh sốt xuất huyết. Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, sẵn sàng thu dung, xử lý, cách ly, điều trị người bệnh. Tham mưu bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện cho công tác phòng, chống dịch. Thường xuyên liên hệ và phối hợp với các đơn vị đầu mối của tuyến trung ương để chủ động nắm bắt tình hình dịch nhằm điều phối hoạt động phòng, chống dịch. Khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, có dấu hiệu xuất huyết ngoài da và chảy máu cam thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. Bệnh nhân đã mắc SXH phải được cách ly, nằm màn điều trị đến khi khỏi hẳn mới được đi xa để tránh lây lan, bảo đảm không có trường hợp tử vong do SXH.

Thu Hoài 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày