Chủ nhật, 28/07/2024, 01:22[GMT+7]

Để người dân là người tiêu dùng thông thái

Thứ 2, 11/11/2019 | 09:08:03
305 lượt xem
Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác quản lý, kiểm soát thị trường và tích cực đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhưng các đối tượng vẫn lén lút và có nhiều thủ đoạn tinh vi đưa hàng hóa không bảo đảm chất lượng ra thị trường tiêu thụ. Đây là nguy cơ khiến người tiêu dùng dễ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” nếu không đề cao cảnh giác.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật, hàng giả.

Tại hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ năm 2019 diễn ra tại công viên Kỳ Bá (thành phố Thái Bình), mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm. Một gian hàng thu hút nhiều người, đó là quầy trưng bày hàng thật, hàng giả và thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng do Cục Quản lý thị trường tổ chức. Sau khi được nghe cán bộ quản lý thị trường giới thiệu, so sánh và phân tích những dấu hiệu nhận biết của hàng giả so với hàng thật đối chứng, ông Bùi Duy Ấn ở huyện Kiến Xương cho biết: Bây giờ công nghệ hiện đại nên các đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, người dân chúng tôi khó có thể phân biệt được. Chẳng hạn, chiếc má phanh xe máy của hãng Honda, từ kích thước, hình dáng, màu sắc đến tem nhãn, thông tin trên sản phẩm giữa hàng thật và hàng giả rất giống nhau; dù có cầm trên tay xem đi xem lại, tôi, thậm chí cả nhiều thợ chuyên sửa xe máy cũng không thể nào phát hiện đâu là hàng giả, hàng nhái, đâu là hàng thật. Nhưng khi được cán bộ Cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách nhìn tem nhãn của hàng thật có chữ Honda bóng mờ bên trên góc phải của nhãn bao bì còn hàng giả không có thì chúng tôi mới biết.


Cũng như ông Ấn, hàng nghìn người đến tham quan tại quầy trưng bày hàng thật, hàng giả của Cục Quản lý thị trường đều tỏ ra ngỡ ngàng trước tình trạng hàng thật, hàng giả, hàng lậu rất khó phân biệt bằng cách quan sát thông thường. Khi được cán bộ quản lý thị trường chia sẻ thông tin và hướng dẫn kỹ năng phát hiện hàng giả, hàng nhái, họ đều rất phấn khởi vì có thêm kiến thức tiêu dùng, tránh mua phải hàng hóa không bảo đảm chất lượng.


Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp họ có điều kiện tiếp cận, nhận biết, phân biệt được hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng thật, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ..., Cục Quản lý thị trường đã chủ động chuẩn bị 90 mẫu mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng nhiều, hay bị các đối tượng làm giả, làm nhái và buôn lậu đưa ra trưng bày tại hội chợ. Mỗi mặt hàng đều có mẫu hàng thật và hàng giả để phân biệt đối chứng. Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng: mì chính, thuốc lá, đồ gia dụng, bóng điện, máy tính, gas, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, đồng hồ thường bị các đối tượng làm giả, làm nhái. Cùng với đó là một số mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả nhãn mác, nhãn hiệu như phụ tùng xe máy các loại, dầu nhớt, bếp gas... Vì vậy, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo tập trung chuẩn bị đủ mẫu những nhóm hàng hóa này để trưng bày, tư vấn, hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Ngoài ra, Cục cũng xây dựng nội dung, in, cấp phát tờ rơi, sổ tay cung cấp thông tin, hướng dẫn bà con cách phát hiện hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi đi mua sắm và tham gia tố giác tội phạm, giúp các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý kịp thời.


Trang bị kiến thức về pháp luật và kỹ năng mua sắm cho người dân chính là cách làm thiết thực để họ trở thành những người tiêu dùng thông thái. Người dân không bị mua phải hàng giả, kém chất lượng, ngoài tự bảo vệ quyền lợi của mình còn trở thành “tai mắt” của cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giám sát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả.


Khắc Duẩn

  • Từ khóa