Chủ nhật, 28/07/2024, 13:22[GMT+7]

Vũ Thư: Hướng đến sản xuất rau hàng hóa tập trung

Thứ 3, 12/11/2019 | 08:13:40
550 lượt xem
Với diện tích bình quân từ 8.200 - 8.500ha rau mỗi năm, huyện Vũ Thư là một trong những “vựa” rau lớn của tỉnh. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân từ cây rau, huyện Vũ Thư đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hướng đến sản xuất rau hàng hóa tập trung.

Người dân xã Trung An (Vũ Thư) nâng cao đời sống từ sản xuất, kinh doanh rau.

Vũ Thư có lợi thế địa bàn được bao bọc bởi hai con sông lớn: sông Hồng và sông Trà Lý; có 21/30 xã, thị trấn duyên giang, có diện tích đất màu, đất bãi nội đồng màu mỡ, rất thuận lợi cho việc thâm canh các loại cây rau màu thực phẩm. Rau trên địa bàn huyện được nông dân gieo trồng theo phương thức: luân canh, xen canh, gối vụ, thâm canh quanh năm...  theo kiểu “mùa nào thức ấy”. Tổng diện tích rau thực phẩm toàn huyện đạt từ 8.200 - 8.500ha. Vụ xuân, bà con gieo trồng các loại rau như su hào, cải bẹ, súp lơ, đậu đỗ, ớt, cà chua, bí, mướp, rau gia vị, với diện tích từ 2.000 - 2.100ha. Vụ hè, thời tiết nắng nóng, khó khăn trong sản xuất, diện tích rau giảm, đạt khoảng 1.200ha, chủ yếu là các loại mồng tơi, rau muống, bí, mướp... Vụ hè thu, tổng diện tích rau toàn huyện đạt 1.800 - 2.000ha. Vụ đông là vụ sản xuất rau lớn nhất trong năm, tổng diện tích rau đạt từ 3.000 - 3.200ha, với nhiều loại rau, trong đó một số loại rau có giá trị kinh tế cao như bắp cải, súp lơ, cà chua, sa lát, đậu đỗ, khoai tây, rau gia vị... Toàn huyện có một số vùng sản xuất rau tập trung với quy mô lớn như Trung An 42ha, Vũ Vân 50ha, Tân Phong 13ha, Hồng Phong 126ha, Hồng Lý 62ha. Ngoài diện tích rau trồng xen canh, gối vụ trên đất lúa, hầu hết các địa phương đều có diện tích trồng rau 4 mùa trên quỹ đất màu, đất bãi, đất vườn, đất trang trại, gia trại, đất chuyển đổi từ trồng lúa sang luân canh rau màu.

Trung An là một trong những xã đầu tiên của huyện Vũ Thư sản xuất rau theo hướng sản xuất hàng hóa. Cả xã hiện có 350 hộ chuyên trồng rau với 42ha rau xà lách và rau gia vị như hành, mùi, thì là, quay vòng 7 - 8 lứa rau/năm... 

Ông Phạm Văn Thừ, Giám đốc HTXNN xã Trung An cho biết: Từ nhiều năm qua, xã đã vận động, thu hút nông dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, hỗ trợ một phần giống, vốn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn cho bà con. Rau có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn nên thị trường tiêu thụ rau rộng mở, nông dân phấn khởi mở rộng diện tích gieo trồng rau, một số hộ đầu tư phương tiện vận chuyển, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ rau ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ sản xuất rau theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện thu nhập của nông dân Trung An đạt trung bình 30 triệu đồng/sào rau/năm, cánh đồng rau đạt giá trị trên 800 triệu đồng/ha/năm. 90% là hộ khá, giàu, hàng chục hộ có điều kiện sắm ô tô, xây dựng nhà cao tầng, biệt thự từ sản xuất, kinh doanh rau.

Khai thác nguồn đất bãi màu mỡ, người dân Vũ Vân trồng rau bắp cải. Một vụ bắp cải ở đây kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, với khoảng 3 lứa rau, mỗi lứa đạt 145ha bắp cải. Thái Sa là thôn có diện tích bắp cải lớn nhất xã.

 Ông Lưu Văn Vinh, thôn Thái Sa cho biết: Trước kia các hộ trồng với diện tích nhỏ lẻ, nhưng những năm gần đây hầu hết các hộ trong thôn đều mở rộng quy mô, mỗi nhà trồng 5 - 7 sào, nhiều nhà trồng 1 mẫu, vài mẫu rau bắp cải. Từ sản xuất, đến nay nhiều hộ có thêm nghề kinh doanh rau, mỗi hộ thường thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng/vụ rau. Gia đình ông Vinh trồng hơn 1 mẫu rau bắp cải, thu 70 - 80 triệu đồng/vụ. Trước kia trồng ít, thu nhập không đáng kể, từ ngày nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư sản xuất bắp cải, hiệu quả và thu nhập tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, khi sản xuất rau theo hướng hàng hóa, điều ông Vinh lo lắng là thị trường tiêu thụ, giá cả chưa ổn định.

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: So với cấy lúa thì hiệu quả sản xuất rau cao hơn hẳn. Tuy nhiên thực tế trên địa bàn huyện mới chỉ có một số vùng sản xuất rau theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, còn lại đều sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn khảo sát, tìm hiểu và nhận thấy thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau, đặc biệt là rau sạch, rau an toàn ngày càng rộng mở. Để sản xuất rau theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, định hướng đến năm 2025, huyện đẩy mạnh tích tụ ruộng đất; tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn. Với một số vùng sản xuất rau có diện tích đủ lớn như Hồng Lý, Hồng Phong, Vũ Vân, Trung An, huyện hướng đến xây dựng cánh đồng sản xuất rau hàng hóa tập trung theo tiêu chí cánh đồng lớn, rau an toàn thực phẩm có áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh để tạo ra sản lượng rau lớn đáp ứng đủ yêu cầu doanh nghiệp; có sự tham gia liên kết giữa nông dân - tổ chức đại diện của nông dân (HTXNN) - nhà khoa học - cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong sản xuất rau. Huyện đã thực hiện và sẽ tiếp tục chú trọng thu hút, liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ rau, tạo điều kiện để bà con yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị cây rau. Sản xuất rau theo hướng hàng hóa tập trung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân.


Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày