Thứ 6, 27/12/2024, 08:07[GMT+7]

TP.HCM đồng bộ giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai

Thứ 5, 14/11/2019 | 17:31:59
2,238 lượt xem
Chất lượng nước mặt hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa cung cấp nước sạch cho 10 triệu người dân thành phố. Vì vậy, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ nguồn nước mặt hệ thống sông này.

90% nguồn nước để sản xuất nước sinh hoạt của TP.HCM được lấy từ sông Sài Gòn - Đồng Nai

Khó quản lý tài nguyên nước

Hiện nay, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của TP.HCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy vậy, nguồn nước thô này đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, khó kiểm soát được chất lượng. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố, khả năng ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô đang là vấn đề không đơn giản.

Kết quả quan trắc nước mặt cho thấy, chất lượng nước sông Đồng Nai (từ Hóa An về Cát Lái) đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Chất lượng nước sông Sài Gòn ở phần thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A và từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Đồng Nai chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn loại B, đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Sông Nhà Bè và vùng Cần Giờ đang bị ô nhiễm vi sinh và dầu mỡ. Ngoài ra, chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại B và đang bị ô nhiễm vi sinh rất lớn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt. Mặc dù, 14/14 khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nhưng trên địa bàn thành phố còn hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư không có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, TP.HCM hiện mới có 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, xử lý được khoảng 300.000 m3 nước thải sinh hoạt, chiếm khoảng  25% tổng nước thải sinh hoạt của thành phố. Vì vậy, một phần nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra hệ thống kênh rạch và chảy vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Ngoài ra, đến nay, TP.HCM chưa có trạm quan trắc nước mặt tự động nên không đánh giá, phân tích, theo dõi kịp thời diễn biến chất lượng nguồn nước mặt (hiện tại, TP.HCM mới có 29 điểm quan trắc thủ công trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, 32 điểm quan trắc nước mặt kênh rạch nội thành).

Mặt khác, sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các Sở, ngành, đơn vị trong công tác quản lý tài nguyên nước dẫn đến chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả quản lý không cao, lãng phí thời gian và tài chính, gây bất lợi cho đối tượng sử dụng nước, đặc biệt, khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có sự cố môi trường nước xảy ra. 

Xây dựng hệ thống giám sát tự động, trực tuyến

Trước những tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, áp lực gia tăng dân số trung bình 5 năm thêm 1 triệu dân, đồng thời, với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả.

Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Theo đó, triển khai Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM, đến năm 2021, TP.HCM sẽ có 12 trạm quan trắc môi trường nước tự động, trong đó, 8 trạm trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, 4 trạm trên hệ thống kênh rạch.

Ngoài ra, cần xây dựng quy chế phối hợp tổng thể giữa các ban ngành có liên quan đến công tác quản lý nước theo định hướng thống nhất quản lý, cần có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM. Mặt khác, cần xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, phản biện từ cộng đồng, công khai, minh bạch các số liệu quản lý tài nguyên nước, các quy hoạch, kế hoạch quản lý tài nguyên nước.

Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị gấp rút xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và an ninh nguồn nước cho thành phố. Theo đó, phải có kịch bản ứng phó, hướng xử lý sự cố, giả định cụ thể từng trường hợp, nguyên nhân xảy ra, phạm vi ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Các kịch bản này phải sát với điều kiện thực tế của thành phố và phân định cụ thể trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Khi có kịch bản rồi, phải tổ chức diễn tập ứng phó trong từng điều kiện cụ thể.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

  • Từ khóa