Thứ 5, 28/11/2024, 02:40[GMT+7]

Khơi sức sáng tạo

Thứ 3, 19/11/2019 | 08:53:46
3,679 lượt xem
Những năm qua, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình tổ chức đã trở thành sân chơi bổ ích cho các em học sinh.

Dự án tái chế rác thải nhựa trong hoạt động trang trí không gian trường lớp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Thị Thu Phương chia sẻ: Năm học 2019 - 2020 là năm thứ sáu cuộc thi KHKT cho học sinh THCS được tổ chức trên quy mô cấp thành phố với sự tham gia của 100% trường THCS trên địa bàn. Trong đó, nhiều trường đã mang đến cuộc thi từ 2 - 3 dự án. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều thể hiện được tư duy nghiên cứu khoa học vững vàng của học sinh. Không chỉ có niềm đam mê, các em đã biết vận dụng kiến thức liên môn trong trường để giải quyết những vấn đề thực tiễn, biết vận dụng những lý thuyết khô khan thành những mô hình, sản phẩm thực tế sinh động, khơi gợi những ý tưởng khoa học to lớn hơn, tốt đẹp hơn cho tương lai. Điều gây ấn tượng ở cuộc thi năm nay là các em hoàn toàn chủ động thuyết trình đề tài. Một số trường, học sinh thuyết trình cả bằng tiếng Anh. Khi gặp các câu hỏi khó, các em vẫn bình tĩnh để giải thích và sẵn sàng tiếp thu để cải tiến đề tài của mình tốt hơn. Các dự án tham gia dự thi đa dạng, phong phú về nhiều lĩnh vực như tự động hóa, sinh hóa, khoa học vật liệu, năng lượng, vật lý, lịch sử, đạo đức xã hội, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ 4.0... 

Trong đó có nhiều đề tài thiết thực, thể hiện tính thời sự như đề tài nâng cao nhận thức của học sinh THCS về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc tìm hiểu những lần Bác Hồ về thăm Thái Bình. 

Chia sẻ về lý do cũng như cách khai thác, nghiên cứu, xây dựng dự án, em Trần Yến Nhi, học sinh lớp 8A5 Trường THCS Kỳ Bá cho biết: Chúng em chọn đề tài này bởi Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức, phong cách, lối sống giản dị để các thế hệ học tập, noi theo, nhất là đối với học sinh. Qua đó, giúp các bạn học sinh hiểu sâu sắc hơn về thời gian, hoàn cảnh, những lời căn dặn của Bác mỗi lần Người về thăm Thái Bình và rút ra những bài học về đạo đức, phong cách, điều chỉnh nhận thức, hành vi của bản thân trong cuộc sống và học tập.

Nhiều sản phẩm dự thi đã thể hiện sự kỳ công, chứa đựng niềm say mê, sức sáng tạo của các em học sinh trong việc vận dụng kiến thức đã học trên lớp vào thực tiễn cuộc sống - nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày như an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường. 

Với mô hình điều không - thông gió và chiếu sáng thông minh sử dụng năng lượng xanh, em Bùi Yến Nhi và em Phạm Công Hiếu, học sinh lớp 9A Trường THCS Minh Thành đã mang đến cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh THCS thành phố năm nay một sản phẩm tiết kiệm năng lượng đáng chú ý. Sản phẩm thể hiện sự vận dụng sáng tạo các kiến thức đã học cũng như hiểu biết về môn Vật lý của các em. 

Bùi Yến Nhi chia sẻ: Năng lượng tái tạo đang là một đề tài lớn mà các nhà khoa học trên thế giới vô cùng quan tâm và nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Vậy nên chúng em đã nghĩ tại sao không ứng dụng năng lượng tự nhiên vào lĩnh vực điều không - thông gió và chiếu sáng cho các gia đình trong khi nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên... Bằng kiến thức đã học và hướng dẫn của cô giáo, chúng em đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Mô hình điều không - thông gió và chiếu sáng thông minh sử dụng năng lượng xanh” nhằm góp phần nhỏ bé vào việc hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đem lại hiệu quả kinh tế. 

Để có những dự án sáng tạo KHKT thành công tham dự cuộc thi sáng tạo KHKT các cấp, cùng với sự cố gắng, nỗ lực vận dụng kiến thức đã học của các em học sinh còn có sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ giáo viên bộ môn. Từ những ý tưởng của học sinh, các giáo viên bộ môn sẽ định hướng cho các em cách thức thực hiện và hỗ trợ các em trong quá trình thực hiện đối với những dự án đòi hỏi quá trình, thời gian nghiên cứu. 

Cô giáo Hà Thị Minh Ngọc, Trường THCS Tiền Phong, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tái chế rác thải nhựa trong hoạt động trang trí không gian trường lớp cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, tôi đã hướng dẫn học sinh chuẩn bị vật liệu và các bước tiến hành, với từng công đoạn các em đã thể hiện được sự sáng tạo, tỉ mỉ, khéo léo trên các sản phẩm mô hình trang trí lớp học từ rác thải nhựa như thư viện xanh, bồn cây em chăm, không gian xanh lớp học, dùng nút chai làm thành tấm bản đồ Việt Nam, thùng đựng rác bằng vỏ chai nhựa, chậu để trồng cây bằng lốp xe...

Thông qua cuộc thi, các em học sinh có cơ hội thể hiện khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tế, thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Đây cũng chính là môi trường để tìm ra những nhà sáng tạo trong tương lai với nhiều sáng kiến mới có tính thực tiễn cao, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa