Thứ 5, 28/11/2024, 01:53[GMT+7]

Xã luận Giữ vững phẩm chất cao đẹp người giáo viên nhân dân

Thứ 4, 20/11/2019 | 07:08:07
2,392 lượt xem
Hôm nay, cùng với các thế hệ học sinh, toàn xã hội hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dành cho đội ngũ nhà giáo sự tôn vinh và tri ân sâu sắc.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định quy định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, từ đó càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Trải qua các giai đoạn lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hình ảnh người thầy giáo tận tâm, tận lực với các thế hệ học trò đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Từ số lượng ít ỏi trên tổng dân số, đến nay, đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã lớn mạnh, trở thành đội ngũ hùng hậu, vững mạnh, song hành với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Không chỉ đảm nhận sứ mệnh “trồng người”, đội ngũ nhà giáo qua các thời kỳ lịch sử còn tham gia tích cực vào các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Hình ảnh những nhà nho yêu nước không chịu cúi đầu trước áp bức, bất công trong thời kỳ chống phong kiến, thực dân; những người thầy gác bút nghiên lên đường cầm súng chiến đấu đánh đuổi thực dân, đế quốc; những thầy cô giáo vượt núi băng rừng cõng chữ lên non mãi là hình ảnh đẹp về người thầy truyền lửa tri thức qua bao đổi thay của xã hội. Sự cống hiến hết mình của đội ngũ nhà giáo đã góp phần làm nên thành tựu đáng tự hào của giáo dục Việt Nam: hệ thống giáo dục được mở rộng, đa dạng hóa với việc hình thành đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo; quy mô giáo dục tăng nhanh ở các vùng, các ngành học; chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến; cả nước đã hoàn thành công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở.

Là tỉnh có truyền thống hiếu học, sự nghiệp giáo dục của Thái Bình luôn được đánh giá cao trên bản đồ giáo dục cả nước. Truyền thống hiếu học được bồi đắp, thành quả giáo dục được khẳng định bởi có sự đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo. Ngành Giáo dục Thái Bình hiện có hơn 24.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có trên 50% đạt trình độ trên chuẩn. Để không ngừng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, những năm qua, các đơn vị giáo dục đã tích cực đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Đội ngũ nhà giáo của Thái Bình hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua, tích cực tự học, tự rèn, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu dạy học, tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”.

Hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Giáo dục trong đó nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo những yêu cầu mới với trách nhiệm lớn hơn trong dạy học và giáo dục. Mỗi thầy giáo, cô giáo không những là người giỏi về chuyên môn mà còn phải là người truyền cảm hứng học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh. Cùng với đội ngũ nhà giáo cả nước, đội ngũ nhà giáo Thái Bình cần tiếp tục bồi dưỡng đạo đức, nhân lên tình yêu với nghề, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”; có tình yêu thương, sự xả thân vì học sinh thân yêu. Bên cạnh đó, việc xây dựng chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ đời sống, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ cần thiết bởi còn một bộ phận không nhỏ - đặc biệt là đội ngũ giáo viên ở nông thôn, giáo viên hợp đồng vẫn chưa hết khó khăn trong cuộc sống.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để cả xã hội cùng dành tình cảm, sự tôn vinh cao quý cho các thầy cô giáo đồng thời cũng gửi gắm niềm tin dù trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi song mỗi thầy cô giáo sẽ luôn là những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn mới đồng thời luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người giáo viên nhân dân.

Thái Bình

  • Từ khóa