Thứ 7, 23/11/2024, 03:29[GMT+7]

Hệ lụy từ lãng phí tài nguyên nước

Thứ 4, 20/11/2019 | 14:44:42
17,108 lượt xem
“Nước là vô tận, không bao giờ cạn” - quan niệm sai lầm này đã dẫn đến việc lãng phí nguồn nước sạch trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, để lại những hậu quả nặng nề. Đó là ô nhiễm nguồn nước, tụt giảm nguồn nước, đẩy nhiều nơi vào cảnh “khát nước”.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Trương Trọng, xã Lê Lợi (Kiến Xương) vận hành nhà máy nước.

Lãng phí nước sạch

Với quan niệm phải nhiều nước thì rửa mới sạch, vì thế, mỗi khi rửa rau, củ, quả hay bát đĩa, bà Đoàn Thị Là, xã Thái Sơn (Thái Thụy) đều xả rất nhiều nước, có như vậy bà mới yên tâm. Bà Là chia sẻ: Nhà tôi dùng nước rất thoải mái để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho gia đình. Trung bình 4 người trong gia đình tôi một tháng dùng trên 30m3 nước, khoảng hơn 200.000 đồng. Với lại mình dùng bao nhiêu thì mình trả tiền chứ có ai cho không đâu mà cần tiết kiệm.

Không chỉ có nhiều người dân sử dụng nước lãng phí mà rất nhiều cơ quan, đơn vị, trường học hay các doanh nghiệp và cả những nhà máy sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh cũng đang lãng phí nguồn tài nguyên nước trong quá trình sản xuất bởi hệ thống đường ống dẫn nước tới hộ dân đều được lắp đặt ngầm trong lòng đất nên trong quá trình khai thác, sử dụng do nhiều nguyên nhân đường ống bị nứt hoặc vỡ nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, thậm chí có những điểm rò rỉ nước phải mất 5 - 7 ngày sau mới được phát hiện và xử lý. Nhiều nhà máy nước sạch tỷ lệ thất thoát nước lên tới 15 - 30%. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, những năm qua, Công ty luôn chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm cấp nước ổn định, đủ số lượng và chất lượng theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương triển khai làm đường giao thông nông thôn nên đường ống cấp nước nhiều nơi bị nứt, vỡ, gây rò rỉ từ đó dẫn đến lãng phí nguồn nước sạch, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho người dân.

Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ dân tận dụng giếng khoan để sử dụng. Vì dùng nước giếng khoan hay nước mưa, nước từ các sông, ngòi không phải trả tiền nên người dân lại càng khai thác, sử dụng thoải mái, vô tư nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, Thái Bình là tỉnh nông nghiệp nên hàng năm lượng nước cung cấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt tương đối nhiều. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khó được chặt chẽ, nhiều diện tích canh tác bỏ không nhưng vẫn phải phục vụ nước, không chỉ gây lãng phí nước mà còn lãng phí cả tiền điện bơm nước cho chính đơn vị phục vụ. 

Ông Nguyễn Văn Sĩu, Giám đốc HTX DVNN An Ấp (Quỳnh Phụ) cho biết: Toàn xã có trên 70ha ruộng bỏ hoang vào vụ mùa, với 5/5 thôn nông dân đều bỏ ruộng, chiếm gần 35% diện tích. Tuy nhiên, việc điều tiết nước vẫn phải phủ khắp các cánh đồng do người dân bỏ ruộng “xôi đỗ”, gây lãng phí rất lớn.

Cần bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này. Thái Bình là tỉnh có nguồn nước tương đối lớn, với ba mặt giáp sông và một mặt giáp biển, trữ lượng tài nguyên nước mặt của tỉnh cũng khá dồi dào. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định thời gian qua đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhưng cùng với đó nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân cũng tăng lên nhanh chóng. Do đó, nguồn tài nguyên năng lượng đang ngày càng cạn kiệt. 

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố thường xuyên phát động chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước. Đồng thời, tổ chức treo băng rôn, pa nô, áp phích ở các nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động, chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước. 

Chị Trương Thị Bình, tổ 5, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Gia đình tôi luôn dạy con ý thức tiết kiệm nước từ những việc nhỏ nhất. Như khi rửa bát đũa, rửa rau nên hứng sẵn một chậu nước sạch. Nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như lau nhà. Còn nước bẩn (không có xà phòng) có thể được dùng để tưới cây, tưới đất cho ít bụi... Chỉ rửa trực tiếp dưới vòi nước khi thật cần thiết và điều chỉnh vòi vừa đủ dùng.

Nâng cao ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí nước cho người dân không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được mà cần giáo dục cả một thế hệ. Bởi việc tiết kiệm nước không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi gia đình mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa