Thứ 5, 26/12/2024, 08:34[GMT+7]

Để di sản văn hóa trường tồn

Thứ 2, 25/11/2019 | 08:15:37
4,235 lượt xem
Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống văn hóa. Các di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh khá phong phú, mang đậm sắc thái riêng, có giá trị văn hóa, lịch sử, được lưu truyền qua nhiều đời. Vì thế, việc bảo lưu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của người dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Biểu diễn ca trù tại lễ hội Đồng Xâm (Kiến Xương).

Ông Lại Hồng Dương, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 di tích, 493 lễ hội, trong đó 8 lễ hội: đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà), đền Đồng Bằng, đền A Sào, Lộng Khê (Quỳnh Phụ), chùa Keo (Vũ Thư), Quang Lang (Thái Thụy), làng Giắng (Đông Hưng) và 2 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là ca trù và múa rối nước xã Nguyên Xá, xã Đông Các (Đông Hưng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Ngoài DSVH vật thể là các di tích, DSVH phi vật thể là các lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian còn có các nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán... Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH từng bước được đẩy mạnh. Nhờ đó, nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo, nhiều trò chơi dân gian, phong tục tập quán được khôi phục, duy trì, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực hành các hoạt động văn hóa của nhân dân.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH, ngoài ngân sách trung ương, tỉnh cũng đã dành ngân sách cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia trọng điểm. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí ngân sách xây dựng đường vào các khu di tích trọng điểm và tu sửa cấp thiết 150 di tích. Hiện nay, việc phân cấp quản lý di tích cho địa phương đã từng bước nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong công tác quản lý di tích. Do đó, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo, trùng tu di tích. Sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, sự thành tâm, góp sức của các tổ chức, cá nhân, các tín đồ, Phật tử đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích.

Gắn với di tích là các lễ hội. Trên địa bàn tỉnh có hơn 490 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Keo, lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền Trần... Sự đa dạng về loại hình, tập trung tái hiện cuộc sống nông nghiệp, tôn vinh các anh hùng dân tộc, người có công với quê hương, đất nước đồng thời phản ánh tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương và thi tài, giải trí, các lễ hội đã thu hút đông đảo du khách. Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội được các địa phương chú trọng hơn. Các lễ hội có xu hướng năm sau đông vui hơn năm trước. Trong lễ hội, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục, duy trì như: kéo lửa thổi cơm, thi pháo đất, múa bát dật, múa kéo chữ, múa giáo cờ, giáo quạt..., qua đó giúp người dân hiểu hơn về văn hóa dân tộc.

Trong DSVH phi vật thể, ngoài lễ hội còn có các nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như múa rối, hát chèo, ca trù... Cùng với việc bảo lưu và phát huy các loại hình nghệ thuật, các nghề truyền thống thông qua lễ hội, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp dạy nghề, dạy hát cho thế hệ trẻ, gắn hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ vào dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm... để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Ngoài việc nhiều DSVH vật thể - cụ thể là di tích bị xuống cấp cần có nguồn lực tài chính để bảo tồn, tôn tạo, ở một số nơi còn buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra tình trạng cháy di tích, phá vỡ kiến trúc ban đầu của di tích... Nhận thức của một bộ phận người dân về Luật Di sản văn hóa cũng như ý nghĩa của việc bảo tồn DSVH còn hạn chế, dẫn đến tự ý thực hiện tu bổ, tôn tạo không đáp ứng được các yêu cầu về bảo tồn các giá trị truyền thống. Đối với DSVH phi vật thể như lễ hội vẫn để xảy ra tình trạng thương mại hóa. Do ảnh hưởng của các loại hình giải trí, một số môn nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù... ít được giới trẻ đón nhận.

Bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH là việc làm thường xuyên, lâu dài, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân. Vì thế, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của DSVH tới người dân; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ văn hóa; thường xuyên kiểm tra, rà soát các di tích, lễ hội để có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH cũng rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành, các địa phương cũng như ý thức của mỗi người dân bởi nhân dân chính là chủ thể sáng tạo, bảo vệ, lưu truyền DSVH đến các đời sau.

Hoàng Lanh 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày