Thứ 3, 02/07/2024, 20:20[GMT+7]

Viết mãi hành trình truyền lửa đam mê nghề giáo

Thứ 3, 26/11/2019 | 08:48:20
1,715 lượt xem
Hơn 20 năm cầm phấn trên bục giảng và là cán bộ quản lý, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) đã truyền lửa đam mê nghề giáo cho rất nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh trong tỉnh.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) múa hát tập thể.

Gương mẫu và dám hy sinh

Trong 3 năm từ 1997 - 1999, hình ảnh cô giáo trẻ Mai Thị Bích Nguyện (công tác tại Trường THCS An Bài) bền bỉ hàng ngày đạp xe đạp hai lượt đi và về 50km từ xã An Vũ (Quỳnh Phụ) đến thành phố Thái Bình để hoàn thành chương trình đại học vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những đồng nghiệp. Cũng chừng ấy thời gian, cả hai nhiệm vụ giảng dạy và học tập, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện đều hoàn thành tốt và được suy tôn là một trong những người đoạt danh hiệu “viên phấn vàng”, trở thành điển hình tiêu biểu được nhà trường chọn làm tấm gương để tuyên dương trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của trường. Năm 2009, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ và được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp của cô giáo trẻ sau hơn 10 năm ra trường, đồng thời cũng thử thách tình yêu nghề của cô bởi Trường THCS An Vũ được đánh giá là “vùng trũng” về chất lượng của huyện. Cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng học không những thiếu mà còn xuống cấp trầm trọng, chất lượng giáo dục luôn đứng ở tốp cuối của huyện... là những điều khiến cô ngày đêm trăn trở và quyết tâm khắc phục. Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ: Thời điểm ấy, tôi luôn mang trong mình một quyết tâm là cải thiện cơ sở vật chất để học sinh được học ở nơi an toàn, đầy đủ thiết bị dạy học. Cái khó nhất là yếu tố con người bởi có một bộ phận thầy cô giáo có tư tưởng tự ti, an phận, không chịu đổi mới và hy sinh cho nghề.

Nghĩ là làm, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện bắt tay xây dựng khối đại đoàn kết trong Chi bộ và Hội đồng giáo dục nhà trường, yêu cầu sự đổi mới từ chính bản thân các thầy cô giáo và nhân viên trong trường để thay đổi toàn diện công tác giáo dục. Tuy nhiên, để làm được điều ấy không phải dễ. Xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, không quản nắng mưa, ngày đêm cô đi “gõ cửa” từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người con xa quê thành đạt để kêu gọi ủng hộ xây dựng nhà trường. Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện nhớ lại: Ngày ấy (trước năm 2014), dãy nhà hai tầng của trường đã xuống cấp trầm trọng, chỉ dùng tay gẩy nhẹ đã khiến vữa rơi theo từng mảng, thậm chí rút được viên gạch ở dưới cửa sổ của phòng học. Trong một số lớp học trên tầng 2 của dãy nhà đã bị hổng một lỗ lớn, những thanh sắt đã bị hoen gỉ, nhiều gạch men lát nền đã bị vỡ... Để bảo đảm học sinh được đi học, nhà trường đã bố trí các phòng học tại phòng hội đồng của nhà trường, phòng học tạm ở dãy nhà cấp 4, nhà văn hóa thôn, thậm chí là lán để xe của giáo viên. Bên cạnh việc “gõ cửa” các cấp, các ngành, tôi còn dùng thư điện tử để kêu gọi những người con xa quê thành đạt ủng hộ xây dựng trường. Kết quả, đến năm 2015, nhà trường được đầu tư kinh phí xây dựng mới nhưng cũng chỉ đủ để xây phòng học cho học sinh còn khu hiệu bộ thì chưa được xây mới. Đến nay, toàn bộ học sinh của trường đã được học ở dãy nhà 2 tầng khang trang với 3 phòng học thông minh, khuôn viên xanh với mô hình sinh thái giáo dục. Thế nhưng phòng làm việc của cô hiệu trưởng vẫn ở chung với phòng đoàn chưa đến 10m2.

Đối với cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, để thầy dạy giỏi, trò chăm ngoan, trước hết, những người làm công tác quản lý cần tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động. Vì vậy, cô bắt tay vào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm với mong muốn đổi mới phương pháp dạy học. Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong suốt những năm đi dạy, “những đứa con khoa học” của cô lần lượt ra đời. Hơn 20 năm qua, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện là chủ nhân của 20 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A, nhận được nhiều giải thưởng trong cuộc thi toàn quốc và quốc tế, được đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh ứng dụng.

Từ sự khởi động của Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến của các thầy cô trong trường hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ đơn vị đứng cuối khối THCS, Trường THCS An Vũ đã vươn lên xếp thứ nhất huyện trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm.

“Nghề giáo - làm thầy thôi chưa đủ”

Ngoài những việc làm thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện luôn hướng sự quan tâm tới việc tự học của học sinh ở gia đình, vì đây là khoảng thời gian đáng kể có ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh. Cô đã cố gắng thu xếp công việc, lên kế hoạch để dành thời gian các buổi tối đi thăm và kiểm tra tình hình học ở nhà của học sinh, trước hết là những học sinh thuộc diện gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi, bố nghiện hút ma túy, bố mẹ làm ăn xa, hoặc cả hai bố mẹ đều đi làm công ty đến tối muộn mới về. Khi đi thực tế, cô có những góp ý cụ thể để gia đình cùng có biện pháp quan tâm tới việc học đối với từng học sinh. Sau nhiều lần đến thăm và kiểm tra, cô Nguyện thấy những học sinh này thật sự có tiến bộ và chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh việc quan tâm, thăm hỏi tình hình học tập của học sinh, cô đã vận động những gia đình này cho các cháu đi học buổi 2 và không thu tiền. Mặt khác, cô còn đề ra mức thưởng 50.000 đồng cho một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thi đỗ vào lớp 10 THPT, 100.000 đồng cho học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Tiền thưởng này được lấy từ tiền lương của cô. Chỉ tính từ năm 2012 đến năm 2016, cô Nguyện đã thưởng cho 10 em thi đỗ vào lớp 10 THPT, 12 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Đồng thời, hàng năm cứ vào mỗi dịp đầu năm, cuối học kỳ I, tết dương lịch và cuối năm học, cô đều trích một phần tiền lương của cá nhân để mua sách, bút, quần áo làm quà tặng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có sự vươn lên trong học tập.

Cô Nguyện tâm sự: Nghề giáo nếu chỉ làm thầy của các em thôi chưa đủ mà phải luôn là người mẹ thứ hai của các em thì mới có thể gần gũi, hiểu được các em, trên cơ sở đó, động viên, chia sẻ giúp các em tiến bộ trong học tập.

Việc làm của cô giáo Mai Thị Bích Nguyện đã thực sự lan tỏa, và được toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường học tập, làm theo. Để duy trì nền nếp này, cô đã phát động xây dựng quỹ tình thương, quỹ trẻ em nghèo vượt khó, quỹ tài năng học trò với mong muốn những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận sự động viên, chia sẻ của cộng đồng. Nhờ nguồn quỹ này, học sinh nghèo của trường có thêm điều kiện đến lớp, cũng như thắp sáng ước mơ, tài năng của học sinh trong trường. Trong 2 năm học vừa qua, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện và các thầy cô giáo trong trường đã vận động nhà hảo tâm, các tổ chức xây dựng 2 ngôi nhà cho 2 học sinh mồ côi trị giá 100 triệu đồng; tặng 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; xây dựng “Hũ gạo tình thương” với tổng số 4.750kg gạo tặng học sinh nghèo; tặng 150 suất quà tết trị giá 37,5 triệu đồng và tặng 2 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó.

Hiệu quả lớn từ những đổi mới nhỏ

Đối với cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, để thầy dạy giỏi, trò chăm ngoan, những người làm công tác quản lý cũng luôn phải thể hiện ý chí quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ thêm: Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào 4 yếu tố đó là: đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng học sinh đầu vào và công tác quản lý; trong đó công tác quản lý giữ vai trò quan trọng. Người quản lý phải thực sự gương mẫu và dám hy sinh, có như vậy mới tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai trong trường học, quy tụ, phát huy sáng kiến tập thể, tạo đồng thuận trong đơn vị. Hiệu trưởng cần lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác đánh giá thi đua cũng cần được thực hiện khoa học, khách quan, công bằng, toàn diện, thúc đẩy thi đua trong đơn vị. Không tổ chức tràn lan các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn nhưng mỗi buổi họp phải tập trung vào việc phân tích chuyên môn, đề xuất những ý kiến, giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học. Điều quan trọng đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học.

Những đổi mới được cô giáo Mai Thị Bích Nguyện thực hiện từ những điều nhỏ nhất song đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ một trường “vùng trũng” của huyện, đến nay, Trường THCS An Vũ đã vươn lên tốp đầu về chất lượng giáo dục. Chi bộ nhà trường 5 năm liên tiếp đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh, được Đảng ủy xã An Vũ, Huyện ủy Quỳnh Phụ công nhận là chi bộ điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2017; được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen. Bản thân cô giáo Mai Thị Bích Nguyện cũng đạt nhiều danh hiệu cao quý nhưng đối với cô, trở thành điển hình toàn quốc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đại diện cho tỉnh Thái Bình giao lưu điển hình tiên tiến khu vực phía Bắc và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen là điều mà cô trân trọng nhất. Khi được hỏi về cuộc sống gia đình của mình, cô Nguyện vui vẻ nói: Giờ tôi đỡ vất vả rồi bởi chồng tôi hiện được nghỉ hưu, không còn công tác xa nhà như trước, các con tôi cũng trưởng thành và chín chắn hơn. Điều mà tôi quan tâm nhất lúc này là bắt đầu quay lại hành trình 10 năm trước.

Sở dĩ cô giáo Mai Thị Bích Nguyện nói như vậy vì đầu năm học vừa qua, thực hiện kế hoạch của tỉnh, Trường THCS An Vũ sáp nhập với Trường Tiểu học An Vũ thành Trường Tiểu học và THCS An Vũ. Nếu như cấp THCS hiện đã nằm trong tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục thì cấp tiểu học lại xếp ở tốp cuối. Bài toán mà cô giáo Mai Thị Bích Nguyện đã giải được cách đây 10 năm một lần nữa lặp lại. Tin rằng với cách làm của người đứng đầu mà cô đang thực hiện, cấp tiểu học sẽ tiếp tục vươn lên tỏa sáng.

Đặng Anh

  • Từ khóa