Thứ 7, 02/11/2024, 20:19[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại toà án

Thứ 3, 26/11/2019 | 15:16:00
867 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại toà án.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) phát biểu thảo luận.

Audio: 26112019_quoc_hoi_ngay_26_mixdown.mp3

Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm phát huy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. 

Nhiều đại biểu cho rằng, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia một số nội dung như về bảo mật thông tin, đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc tạo niềm tin của các bên khi tiếp cận phương thức giải quyết tranh chấp và trong quan hệ tố tụng dân sự pháp luật không quy định trong trường hợp nào thì phải có chứng cứ mà nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về chủ thể đưa ra yêu cầu, phản đối yêu cầu. Nếu bên đưa ra yêu cầu, phản đối yêu cầu mà không cung cấp được chứng cứ và không chứng minh được thì phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng xác định rõ những trường hợp nào phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của pháp luật để các bên có cách hiểu và áp dụng giống nhau trong thực hiện luật; về thời hạn hòa giải, đối thoại, quy định như dự thảo thời hạn hòa giải, đối thoại không quá 20 ngày, kể từ ngày hòa giải viên được phân công. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày là phù hợp; về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ không vi phạm điều cấm của luật, cần quy định cụ thể ở điều khoản nào, luật nào để thuận lợi trong thực hiện;…

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước và Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

  • Từ khóa