Chủ nhật, 28/07/2024, 15:18[GMT+7]

Thăng trầm cây khoai tây trên đất Tân Hòa

Thứ 2, 02/12/2019 | 08:37:17
2,162 lượt xem
Nếu bắp cải là “đặc sản” của xã Vũ Vân, xã Hồng Phong, rau cần nhiều nhất ở xã Tam Quang thì khoai tây được coi là loại cây truyền thống của xã Tân Hòa (Vũ Thư). Nơi đây đã từng có những cánh đồng khoai tây lớn nhất huyện, tuy nhiên, chịu nhiều yếu tố tác động nên đến nay đồng đất Tân Hòa đã giảm rõ rệt diện tích cây truyền thống này.

Nông dân xã Tân Hòa chăm sóc cây khoai tây vụ đông.

Truyền thống trồng khoai tây

Những năm trước, xã Tân Hòa thường có những cánh đồng khoai tây rộng, xanh ngút ngàn với hàng trăm héc-ta khoai tây mỗi vụ. Bà Phạm Thị Mến, nông dân thôn Đại Hội chia sẻ: Khoảng gần 10 năm về trước, cứ vào vụ đông, gia đình tôi lại trồng khoảng 1 mẫu khoai tây. Đồng đất Tân Hòa là đất cát tơi xốp, hợp với cây khoai tây, năng suất cao, bà con lại có kinh nghiệm trồng loại cây này nên hầu như nhà nào cũng trồng với diện tích 5 - 7 sào hoặc một vài mẫu. Tôi vẫn nhớ, trước kia có những vụ khi thu hoạch khoai tây là bà con thu hoạch đồng loạt trong 1 đợt; HTXNN địa phương tổ chức mấy điểm thu mua khoai tây tại các thôn, bà con mang khoai đến cân, rộn rã như ngày hội. Sau mỗi vụ khoai tây, thường mỗi hộ chúng tôi cũng có dăm, bảy triệu, hoặc chục triệu, thậm chí có nhà vài chục triệu đồng, ai cũng phấn khởi...

Trên cánh đồng thôn Nhật Tân, nhiều nông dân đang cần mẫn vun luống, bón phân, chăm sóc những cây khoai tây xanh tốt. Ông Nguyễn Văn Vọng, thôn Nhật Tân cho biết: Tôi có thâm niên trồng khoai tây gần 30 năm nên kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho loại cây này, tôi nắm rất chắc. Trồng nhiều nên cây khoai tây dần trở nên quen thuộc với tôi. Mấy năm nay, nông dân nhiều nơi bỏ trồng khoai tây, tuy tuổi cao tôi vẫn duy trì trồng gần 2 sào khoai tây, mỗi vụ thu được khoảng 6 - 7 triệu đồng, giúp tôi thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Vũ Trọng Hải, Giám đốc HTXNN xã Tân Hòa cho biết: Là xã có truyền thống trồng cây khoai tây, những năm trước, ngoài các loại cây khác, bà con thường trồng từ 100 - 120ha khoai tây mỗi vụ đông. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do nhiều yếu tố, diện tích khoai tây của Tân Hòa giảm rõ rệt, vụ đông năm 2019 toàn xã có hơn 40ha khoai tây. Nông dân địa phương trồng 100% bằng giống khoai tây Marabel cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mỗi vụ, HTXNN xã đều tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, giúp nông dân đạt năng suất, chất lượng tốt nhất. Cây khoai tây không đòi hỏi thời vụ sớm, dễ trồng, chăm sóc, giống khoai Marabel phù hợp đồng đất địa phương, cho thu nhập trung bình đạt 3 - 4 triệu đồng/sào. Cây khoai tây được coi là loại cây mang lại nguồn thu chính trong vụ đông, nâng cao đáng kể thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân Tân Hòa, vì vậy, HTXNN xã vẫn khuyến khích nông dân trồng khoai tây và nhiều nông dân vẫn gắn bó với loại cây truyền thống này.

Khó khăn tiêu thụ sản phẩm

Bà Nguyễn Thị Mão, thôn Đại Hội cho biết, vào những vụ khoai tây được thu mua ổn định, gia đình bà trồng khoảng 1 mẫu nên vẫn yên tâm. Mấy năm nay chỉ có thương lái nhỏ lẻ đến thu mua, giá khoai tây giảm rõ rệt. Thậm chí có năm giá rẻ vẫn không có người đến mua, tiêu thụ rất khó khăn. Qua mỗi năm, bà Mão giảm dần diện tích trồng. Năm nay, thêm yếu tố đàn lợn trong và ngoài xã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi đã chết gần hết, lỡ khoai có ế hoặc loại khoai tây nhỏ, không bán được, giờ cũng không chăn nuôi thì biết đổ khoai tây đi đâu? Với băn khoăn ấy, bà Mão chỉ dám trồng 1,5 sào. Nhiều hộ khác cũng giảm diện tích vì những lý do tương tự.

Ông Vũ Trọng Hải, Giám đốc HTXNN xã Tân Hòa cho biết, ngoài lý do thiếu lao động, thì lý do lớn nhất khiến nông dân giảm diện tích khoai tây là do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước kia, HTXNN xã Tân Hòa đã từng liên kết với các doanh nghiệp ở Bắc Ninh tiêu thụ khoai tây cho bà con, tuy nhiên, sau đó do các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả nên việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho bà con cũng bị dừng lại. Để tìm đầu ra cho cây khoai tây, từ hơn 10 năm về trước, xã đã quan tâm liên kết với các cơ quan chuyên môn và được các chuyên gia nước ngoài chuyển giao, đưa vào trồng giống khoai tây Atlantic - loại khoai tây phù hợp làm nguyên liệu, dùng trong chế biến thực phẩm, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường cao, tuy nhiên kết quả cho thấy, chất đất ở Tân Hòa không phù hợp để trồng giống khoai tây Atlantic. Với cái khó này, bà con chỉ còn cách trồng khoai tây Marabel - giống khoai này tuy cho năng suất, chất lượng cao nhưng không thích hợp với chế biến chips, không thể tiêu thụ với sản lượng lớn, chỉ có thương lái thu mua nhỏ lẻ để cung cấp cho người dân tiêu dùng. Tiêu thụ khó, giá bán khoai tây mấy năm nay bấp bênh, có vụ đạt bình quân 6.000 - 7.000 đồng/kg, có vụ chỉ đạt 3.000 - 4.000 đồng/kg, năng suất bình quân 7 tạ/sào, nông dân thu về 4 - 5 triệu đồng/sào với vụ được mùa, được giá, từ 2 - 3 triệu đồng/sào với vụ khoai tây rớt giá.

“Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng chúng tôi chưa liên kết được với doanh nghiệp nào để tiêu thụ khoai tây cho nông dân. Chúng tôi rất mong các ngành, các cấp, các doanh nghiệp hỗ trợ địa phương khâu tiêu thụ sản phẩm cho cây khoai tây. Nếu cứ “thả nổi” để nông dân tự lo đầu ra sản phẩm như hiện tại, tôi cho rằng chỉ trong vòng vài năm tới diện tích khoai tây của địa phương sẽ tiếp tục giảm, thậm chí xã khó giữ được cây khoai tây truyền thống trên đồng đất quê hương” - ông Hải cho biết thêm.


Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày