Thứ 7, 23/11/2024, 09:02[GMT+7]

Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững (Kỳ 1)

Thứ 4, 04/12/2019 | 09:08:52
8,253 lượt xem
Hình thành do sự bồi đắp phù sa, có địa hình tương đối bằng phẳng, màu mỡ, Thái Bình là tỉnh có diện tích trồng lúa, ngô, khoai lang, đậu tương, lạc... lớn nên nguồn thức ăn và đệm lót cho chăn nuôi trâu, bò rất dồi dào. Toàn tỉnh còn có gần 4.000ha đất bãi có thể trồng cỏ voi, ngô... làm thức ăn cho trâu, bò với năng suất cao. Cùng với đó, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất thuận lợi cho vận chuyển, giao thương các sản phẩm chăn nuôi.

Gia đình ông Hà Việt Hữu, thôn Thượng, xã Tây Lương (Tiền Hải) nuôi trung bình 30 con bò/năm.

Kỳ 1: Quy mô nhỏ lẻ, tăng trưởng chậm

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 5 năm qua, số lượng đàn bò toàn tỉnh tăng từ 44.109 con (năm 2013) lên 48.592 con (năm 2018), tốc độ tăng trưởng số lượng đàn trung bình đạt 2,03%/năm. Sản lượng thịt bò năm 2018 đạt 7.883 tấn, tăng 2,32 lần so với năm 2013; tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trung bình đạt 26,25%/năm. Số lượng đàn trâu của tỉnh tăng từ 5.801 con (năm 2013) lên 6.280 con (năm 2018), tốc độ tăng bình quân 1,65%/năm. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2018 là 795 tấn, tăng bình quân 15,49%/năm. 

Trong chăn nuôi trâu, do đã cơ giới hóa cơ bản khâu làm đất nên nhu cầu sử dụng trâu làm sức kéo trong nông nghiệp ngày càng giảm, đàn trâu nuôi chủ yếu là lấy thịt, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân. Trâu được nuôi chủ yếu ở 3 huyện: Tiền Hải, Thái Thụy và Kiến Xương (trên 1.000 con/huyện), chiếm 59,89% tổng đàn trâu cả tỉnh và 59,70% sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng toàn tỉnh. 

Đối với đàn bò, chủ yếu được nuôi ở các xã ven sông, vùng duyên giang, tập trung nhiều tại 4 huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư và Thái Thụy, chiếm 72,53% tổng đàn bò và 80,57% sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng của cả tỉnh. Huyện Hưng Hà có số lượng bò lớn nhất, gần 15.000 con (không tính số lượng bò của Công ty TNHH MTV Việt Hùng), chiếm 29,67% số lượng và 51% sản lượng thịt bò hơi của cả tỉnh.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ năm 1990 đàn bò của tỉnh đã được cải tạo giống bằng nhóm bò Zebu (Sind, Brahman...). Hiện nay, đàn bò lai Zebu có chất lượng tốt, đàn bò cái lai Zebu của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu để phối giống với tinh bò ngoại cao sản. Toàn tỉnh hiện có khoảng 34.000 con bò cái, chiếm 69% tổng đàn, trong đó có khoảng 29.000/34.000 con là bò cái đã sinh sản, chiếm trên 85% tổng đàn bò cái. Trong số bò cái đã sinh sản có 8.500 con có trọng lượng lớn (khoảng 240 - 250kg/con, nhiều vùng đạt 270 - 280kg/con), đủ tiêu chuẩn để phối giống tinh bò ngoại chuyên thịt cao sản. Song song với chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có trên 60 điểm giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ đáp ứng khoảng 5.355 tấn thịt trâu, bò cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Chăn nuôi bò tại hộ nông dân xã Thái Thủy (Thái Thụy).

Có thể nhận thấy rõ, tốc độ tăng trưởng trung bình của đàn bò đạt 2,03%/năm, đàn trâu đạt 1,65%/năm là con số quá “khiêm tốn” so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chính vì thế, đến năm 2018, cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi trâu, bò theo giá hiện hành của tỉnh mới đạt 474.356 triệu đồng, chỉ chiếm 4,14%  giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi. Nguyên nhân được các ngành chuyên môn chỉ ra đó là do phương thức và quy mô chăn nuôi trâu, bò của người nuôi trong tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, nuôi bán chăn thả, phát triển tại các nông hộ. Tại thời điểm tháng 10/2018, toàn tỉnh có 14.744 hộ nuôi bò thì quy mô chăn nuôi dưới 5 con/hộ có tới 12.969 hộ, chiếm 87,96% số hộ nuôi bò và 55,3% số lượng bò cả tỉnh; quy mô từ 5 - 10 con có 1.484 hộ, chiếm 10,07% số hộ và 20% số lượng đàn bò; quy mô từ 11 - 20 con có 234 hộ chiếm 1,6% số hộ và 7,4% số lượng đàn bò; quy mô trên 20 con có 57 hộ chiếm 0,39% số hộ và chiếm 17,28% số lượng đàn bò. Ngoài ra, tuy xu hướng chăn nuôi trâu, bò hàng hóa đã xuất hiện tại một số địa phương như Kiến Xương, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Hưng Hà nhưng chưa nhiều, mô hình nuôi nhốt còn hạn chế; trong tỉnh cũng chưa có mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi liên kết theo chuỗi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp tích cực với chính quyền và cơ quan chuyên môn để đẩy mạnh và hoàn thiện các chuỗi sản xuất từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; thỏa thuận, hợp đồng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để điều chỉnh sản xuất chăn nuôi cho phù hợp, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, nghiên cứu, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để đáp ứng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá thành sản xuất ngay tại địa phương.


Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Hiện tổng đàn trâu, bò của Tiền Hải có 3.988 con, trong đó đàn bò 3.021 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Thực tế chăn nuôi nông hộ cho thấy sự cần thiết phải liên kết sản xuất, qua đó thực hiện đồng bộ các giải pháp về xác định đối tượng nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng chung một quy trình kỹ thuật chăn nuôi nhằm giảm chi phí thức ăn và nâng chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm của chuỗi, tổ chức xây dựng và phát triển các cửa hàng bán sản phẩm, các liên kết bao tiêu đầu ra với các thành viên khác theo hợp đồng; đẩy mạnh xúc tiến đầu ra ngay ở thị trường nội địa như bếp ăn các công ty, trường học, các chợ...


(còn nữa)
Phan Anh