Thứ 4, 25/12/2024, 21:12[GMT+7]

Tuổi cao vẫn đam mê nghiên cứu, sáng tạo

Thứ 5, 05/12/2019 | 08:29:11
5,852 lượt xem
Đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học, muốn làm gì đó có ích lúc tuổi già nên dù đã 74 tuổi, ông Ngô Văn Đỉnh, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) vẫn mày mò nghiên cứu, sáng tạo.

Ông Ngô Văn Đỉnh nghiên cứu, sáng chế máy cứu ngải khô và tươi.

Sự miệt mài, cần mẫn cùng những kinh nghiệm sau nhiều năm công tác tại Phòng Thông tin, Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung tâm Dưỡng sinh bằng năng lượng sinh học và diện chẩn tỉnh đã giúp ông chế tạo thành công máy cứu ngải - sản phẩm vừa đạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII.

Hiểu rõ tác dụng của cây ngải cứu cũng như phương pháp cứu ngải đối với sức khỏe con người, ông Đỉnh đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc máy cứu ngải dùng cho cả ngải tươi và khô. Ông chia sẻ: Từ thực tế, tôi thấy những cách làm truyền thống như hiện nay là đốt điếu ngải khô dễ gây bỏng, máy cứu ngải ở một số nơi sản xuất mới chỉ đốt được điếu ngải khô trong khi nguồn nguyên liệu là ngải tươi có rất nhiều ở các địa phương. Bên cạnh đó, luồng khí thổi ra từ một số máy cứu ngải đã có trên thị trường rất nhiều khói, gây khó chịu cho người bệnh, chưa kể nguy cơ gây bỏng và giá thành máy cao.

Ý tưởng làm chiếc máy cứu ngải dùng được cả ngải tươi và điếu ngải khô được hình thành từ năm 2000. Ban đầu, ông Đỉnh làm bằng ống, sau đó dùng mô tơ pin để thổi nhưng nhận thấy nhiều bất cập nên đã chỉnh sửa, sử dụng những chiếc máy sấy cũ để chế tạo. Qua quá trình sáng chế, thử nghiệm càng giúp ông nảy sinh thêm sáng kiến, cải tiến máy cứu ngải. Ông đã lắp lưới ở phần bầu sinh nhiệt, tránh bụi ngải bay vào máy gây chập điện trong quá trình đốt; tạo càng 3 chân để giữ ngải khô cố định, tạo buồng áp khí xoáy... Để sản phẩm có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, ông Đỉnh không quản ngại khó khăn, đạp xe tìm đến các thầy thuốc đông y, các lương y thử nghiệm sản phẩm của mình và xin góp ý, hoàn thiện sản phẩm.

Không nhớ nổi số lần tháo máy ra, lắp vào chỉnh sửa các chi tiết, bộ phận nhưng để làm ra được chiếc máy cứu ngải tươi và khô như hiện nay, ông Đỉnh đã 11 lần thực hiện cải tiến các bộ phận của máy. Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, ông còn mang máy tới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh để kiểm tra, đánh giá.

Hiện nay, sản phẩm máy cứu ngải của ông đã được Công ty Sản xuất và Thương mại Dân Thu nhận liên kết sản xuất để cung cấp ra thị trường. Máy có cấu tạo khá đơn giản gồm: nguồn điện, quạt gió, buồng sinh nhiệt, buồng tạo áp khí xoáy, buồng chứa ngải và cửa thoát khí ra. Máy gọn nhẹ, sử dụng nguồn điện 220V, dễ tháo lắp, sử dụng. Máy dùng được cho cả ngải cứu tươi và điếu ngải khô. Do giá gắn điếu ngải khô có thể điều chỉnh nên có thể sử dụng nhiều kích cỡ điếu ngải. Luồng khí tạo ra từ máy là luồng khí xoáy ít khói, dễ bám sâu và tập trung vào điểm cần cứu ngải nên hiệu quả chữa bệnh cao hơn. Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản: khi cho ngải cứu tươi vào máy, quạt đặt sau buồng sinh nhiệt sẽ thổi hơi nóng vừa phải sang buồng chứa ngải tươi mang theo tinh dầu ngải đến vùng đau hay huyệt đạo cần chữa. Ở buồng chứa ngải có ống dẫn khí hình xoắn ốc giúp hơi nóng thổi ra tập trung vào điểm đau, nâng cao hiệu quả phòng, chữa bệnh. Nhiệt độ và lượng tinh dầu định đưa vào huyệt đạo theo thời gian và tốc độ của mô tơ do người sử dụng điều khiển trên công tắc. Giá thành của máy khi sản xuất đại trà thấp, chỉ bằng 1/3 giá thành của các loại máy trên thị trường.

Ông Đỉnh cho biết thêm: Nâng cao sức khỏe là nhiệm vụ của mọi người chứ không chỉ dựa vào ngành Y tế. Khi có máy cứu ngải, người dân có thể tự chăm sóc sức khỏe cho mình. Do dễ sử dụng và sử dụng được ngải tươi nên mọi người có thể dùng, nhất là người cao tuổi để hỗ trợ chữa một số bệnh thường gặp như: đau lưng, đau vai, đau đầu gối...

Lương y Đỗ Thanh Tùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diện chẩn thành phố Thái Bình cho biết: Trước kia khi chưa có máy cứu ngải, tôi thường đốt ngải khô nhưng rất bất lợi vì thời gian đốt điếu ngải lâu, nếu lơ là dễ gây bỏng cho người bệnh. Từ khi dùng thử nghiệm máy cứu ngải, tôi thấy tiện lợi hơn, tiết kiệm cả thời gian và nguyên liệu. Sản phẩm rất hữu ích với những người thường xuyên chữa bệnh bằng phương pháp cứu ngải.

Với một người tuổi đã cao như ông Ngô Văn Đỉnh, niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học là điều rất đáng trân quý. Sáng chế của ông đã góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa