Thứ 3, 23/07/2024, 10:19[GMT+7]

Hiệu quả bước đầu từ xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học

Thứ 2, 09/12/2019 | 08:45:06
3,633 lượt xem
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ thí điểm chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi cho 16 hộ chăn nuôi bò tại 8 huyện, thành phố. Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc hạn chế ảnh hưởng xấu tới môi trường, tiết kiệm chi phí và giảm công lao động cho người chăn nuôi.

Gia đình ông Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội (Vũ Thư) tiết kiệm được chi phí, giảm công lao động nhờ sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi.

Gắn bó với nghề nuôi bò hơn 10 năm nay với số lượng nuôi thường xuyên 7 con, gia đình ông Phạm Văn Tuân ở thôn Đình Phùng, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) luôn loay hoay tìm cách xử lý chất thải chăn nuôi sao cho triệt để. Ý thức được việc chăn nuôi đại gia súc trong khu dân cư nếu không vệ sinh chuồng trại thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống của chính gia đình mình và những hộ xung quanh nên hàng ngày ông đều thu gom, xử lý chất thải, cọ rửa nền chuồng, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi mùi hôi thối khó chịu, làm phát sinh các côn trùng có hại như ruồi, muỗi khiến người dân xung quanh phàn nàn. 

Ông Tuân cho biết: Đầu tháng 11/2019, gia đình tôi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chế phẩm vi sinh, đồng thời được cán bộ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về hướng dẫn cách làm đệm lót sinh học phục vụ cho việc xử lý chất thải từ đàn bò. Từ ngày sử dụng chế phẩm vi sinh phun xung quanh chuồng trại và làm đệm lót sinh học rải xuống nền chuồng tôi thấy mùi hôi thối từ phân và nước tiểu của bò giảm đi rất nhiều, ruồi, muỗi cũng giảm đáng kể.

Không chỉ gia đình ông Tuân phấn khởi vì được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này mà các hộ xung quanh cũng vui bởi thoát khỏi cảnh “một hộ nuôi bò, cả làng phải ngửi”. 

Ông Đặng Văn Dương sống cùng thôn Đình Phùng, xã Vũ Đông cho biết: Nhà tôi sống kế bên nhà ông Tuân, bao nhiêu năm ông Tuân nuôi bò là từng ấy năm gia đình tôi chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ chất thải của đàn bò, đặc biệt những hôm trời trở gió khiến mùi càng khó chịu. Nhưng khoảng một tháng nay nhà ông Tuân dùng đệm lót sinh học để xử lý chất thải nên mùi hôi thối giảm đi rõ rệt. Hiệu quả từ mô hình này tốt như vậy thì gia đình tôi sẽ học hỏi để phục vụ cho kế hoạch chăn nuôi trong thời gian tới.

Cũng là một trong những hộ chăn nuôi bò được nhận hỗ trợ chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học, gia đình ông Đoàn Văn Cường ở thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội (Vũ Thư) từ nay như trút được gánh nặng khi hàng ngày phải xử lý lượng phân thải quá lớn từ đàn bò 52 con. 

Ông Cường chia sẻ: Mỗi ngày đàn bò thải ra khoảng 3 - 3,5 tạ phân. Khi chưa làm đệm lót sinh học thì một ngày phải dọn 2 buổi sáng và chiều rất vất vả, mỗi buổi mất 2 giờ để thu gom và xử lý chất thải, đồng thời phải thường xuyên phun thuốc trị ruồi, muỗi khu vực chăn nuôi. Sau khi dọn dẹp, phân bò được đưa ra một khu vực riêng để ủ làm phân bón cho cây trồng, nước thải đưa vào bể biogas nhưng cũng không xử lý triệt để được mùi hôi thối và ruồi, muỗi. Từ khi dùng đệm lót sinh học, chúng tôi không phải mất công sức dọn dẹp thường xuyên, tiết kiệm được chi phí điện nước vệ sinh chuồng trại, giảm thiểu các côn trùng có hại và gây bệnh, tạo môi trường sống tốt cho đàn bò, hạn chế được dịch bệnh.

Được biết, chi phí làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi không cao, tùy vào mức độ đào thải của vật nuôi mà chất độn chuồng bằng đệm lót sinh học có thời gian sử dụng từ 2 - 3 tháng. Nguyên liệu sử dụng làm đệm lót sinh học chủ yếu là các phụ phẩm như vỏ trấu, mùn cưa, lõi ngô nghiền trộn cùng chế phẩm vi sinh để tạo thành chất men giúp phân giải phân, nước tiểu, làm giảm mùi hôi thối và ruồi, muỗi. Chất độn chuồng bằng đệm lót sinh học sau khi sử dụng sẽ trở thành phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường. Xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế. Hiệu quả bước đầu từ mô hình này sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Thanh Huyền

  • Từ khóa