Thứ 2, 05/08/2024, 11:25[GMT+7]

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Lợi nhiều nhưng người tham gia vẫn ít (Kỳ 1)

Thứ 2, 09/12/2019 | 08:53:41
2,288 lượt xem
Ngày 1/1/2008, chính sách BHXH tự nguyện đã chính thức có hiệu lực mang nhiều niềm vui đến với người dân đặc biệt là những người làm nông nghiệp và người lao động tự do. Chỉ sau 10 năm triển khai, đã có những người nông dân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Bình được hưởng lương hưu.

Phổ biến chính sách về bảo hiểm xã hội cho người dân.

Kỳ 1: Nông dân vui mừng nhận lương hưu

Bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện ngay từ ngày đầu chính sách này được triển khai năm 2008, đến năm 2018, với quy định cho phép người tham gia được đóng 1 lần không quá 10 năm, đã có 4 nông dân đầu tiên được nhận lương hưu từ chính sách bảo hiểm ưu việt này. 


Đến giờ, tôi vẫn còn chưa tin được là mình được hưởng lương hưu hàng tháng. Đó là chia sẻ của 4 phụ nữ ở các xã Bình Định, An Bình, Vũ Thắng (Kiến Xương). Họ cũng là 4 phụ nữ đầu tiên được nhận lương hưu mà số tiền đóng góp để được nhận lương hưu hoàn toàn do tham gia BHXH tự nguyện. Bà Hoàng Thị Lan (xã Bình Định, huyện Kiến Xương) chia sẻ: Đầu năm 2008, lần đầu tiên tôi được nghe nói về chính sách BHXH tự nguyện. Cũng như phần đông người dân trong thôn, trong xã, tôi chưa thật hiểu về việc những nông dân như tôi cũng sẽ có lương hưu nếu tham gia BHXH tự nguyện. May mắn là ngày ấy tôi đang tham gia công tác hội phụ nữ nên có điều kiện được tìm hiểu về chính sách BHXH này. Với mong ước có một khoản tiền lương hàng tháng để yên tâm sinh sống lúc tuổi già nên dù thu nhập của gia đình chưa ổn định vì cả hai vợ chồng đều là nông dân lại đang nuôi con ăn học song tôi vẫn quyết định dành mỗi tháng một phần thu nhập để đóng BHXH tự nguyện. Mặc dù tham gia rồi nhưng bản thân tôi vẫn bán tín, bán nghi vì thấy xung quanh có nhiều người khuyên “tham gia làm gì, để tiền mà gửi tiết kiệm”. Hồi đầu tham gia BHXH tự nguyện, cùng với tôi còn có vài chị em trong xã, song do thu nhập không ổn định lại sốt ruột trước quy định phải đóng 20 năm nên mặc dù đã đóng được một thời gian song một số người dừng đóng làm cho tôi lung lay. Nhưng được chồng con động viên, tôi kiên trì theo đuổi. Tháng 1/2018, tôi được biết chính sách của Nhà nước cho đóng 1 lần tối đa 10 năm khi đủ tuổi lao động để hưởng lương hưu ngay, vừa lúc tôi đủ 55 tuổi nên đã quyết định lựa chọn đóng 1 lần 10 năm còn thiếu nên từ tháng 4/2018 tôi đã được hưởng lương hưu. 

Còn bà Trương Thị Thai (xã An Bình, huyện Kiến Xương) chia sẻ: Năm 2008, tôi được biết về chính sách BHXH tự nguyện. Tôi cùng với chị gái là bà Trương Thị Thoa (cùng ở xã An Bình) đã quyết định tham gia. Năm 2018, cả hai chị em đều quyết định đóng 1 lần 10 năm. Đến tháng 2/2018, chị gái tôi đã được hưởng lương hưu, còn tôi thì đến tháng 9/2019 cũng được hưởng lương hưu. Đây là niềm hạnh phúc lớn của hai chị em và đại gia đình vì từ trước tới nay, chẳng ai dám nghĩ nông dân cũng có lương hưu. Hơn 10 năm trước, khi tham gia họ cũng không nghĩ là ngày được nhận lương hưu lại đến sớm như vậy. Quy định cho đóng 1 lần cho tối đa 10 năm đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người tham gia, giúp họ có thể được nhận lương hưu sớm khi bằng tuổi nghỉ hưu chung của phụ nữ nên ai cũng phấn khởi.   

Lợi nhiều phía cho người tham gia 

“Trước đây mọi người cứ nghĩ chỉ người nhà nước, làm ở doanh nghiệp mới có lương hưu, nhưng giờ người nông dân như tôi cũng có lương hưu, tôi vui mừng, hạnh phúc lắm!” - bà Hoàng Thị Lan chia sẻ. Theo bà Lan tính toán, từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2017 số tiền bà đã đóng BHXH tự nguyện là 22.934.400 đồng. Tính trung bình mỗi tháng bà đã đóng 191.120 đồng. Đến năm 2018, bà đã chọn với mức thu nhập là 1.150.000 đồng để đóng luôn 1 lần cho 10 năm để nhận lương hưu sớm. Sau khi trừ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ 10%, bà phải đóng là 44.667.376 đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền bà đã bỏ ra là 67.601.776 đồng và hiện bà đang hưởng lương hưu với mức lương 766.700 đồng/tháng. Bà Lan chia sẻ thêm, nếu so với việc đem gửi số tiền 67 triệu đồng trên vào ngân hàng thì mỗi tháng cũng chỉ được khoảng hơn 300.000 đồng nên việc đóng BHXH tự nguyện đúng là có lợi rõ rệt, chưa kể bà lại còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Trước đây, mỗi năm mua BHYT hộ gia đình cũng mất hơn 600.000 đồng, giờ vừa không mất tiền mua thẻ BHYT, mà đi khám chữa bệnh lại được quỹ BHYT chi trả đến 95% chi phí. 

Bà Hoàng Thị Lan cũng chia sẻ: Ngày mới tham gia cũng chưa thấy hết ý nghĩa và quyền lợi của BHXH tự nguyện. Nay được lĩnh lương hàng tháng thì mới thấy việc ngày trước mình không theo mọi người dừng đóng là quá may mắn. Bây giờ thì cả gia đình tôi đều thấy yên tâm vì tôi đã có lương hưu. 

Còn bà Trương Thị Thai chia sẻ: Tôi tham gia BHXH tự nguyện từ đầu năm 2008, đến tháng 12/2018 đã đóng số tiền là 25.747.200 đồng, chia trung bình mỗi tháng số tiền đóng là 195.054 đồng. Đến tháng 1/2019 tôi đủ 55 tuổi nên chọn đóng 1 lần 9 năm còn thiếu với mức thu nhập lựa chọn là 3.000.000 đồng, số tiền đóng 1 lần sau khi trừ phần ngân sách hỗ trợ đóng là 99.310.476 đồng. Tổng số tiền tôi đóng là 125.057.676 đồng và hiện tôi đang hưởng lương hưu với mức lương 1.244.000 đồng/tháng. Như vậy, chỉ cần khoảng 8 năm (lúc đấy tôi 63 tuổi) là đã thu hồi được số tiền bỏ ra; chưa kể hiện nay được cấp thẻ BHYT miễn phí được hưởng mã quyền lợi cao hơn so với tham gia BHYT hộ gia đình và sau này còn được hưởng chế độ tử tuất. Sau khi bà Thai và chị gái được nhận lương hưu thì rất nhiều người đã đến, vừa để chia sẻ niềm vui, vừa hỏi kỹ hơn về việc tham gia BHXH tự nguyện, nhiều chị còn bày tỏ tiếc nuối vì đã không tham gia BHXH tự nguyện ngay từ đầu.   

Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, từ năm 2018, quy định mới cho phép người tham gia được đóng 1 lần tối  đa 10 năm với mức thu nhập tự lựa chọn đã rút ngắn thời gian tham gia và chờ đợi. Với những phụ nữ nông dân như bà Lan, bà Thai, mỗi tháng được lĩnh 700.000 - 1.200.000 đồng là khoản tiền lớn có thể lo được nhiều việc chi tiêu cho gia đình, giúp mỗi người bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Định, huyện Kiến Xương

Bà Hoàng Thị Lan là hội viên phụ nữ đầu tiên trong xã tôi được hưởng lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện. Việc được nhận lương hưu của bà Lan đã cổ vũ tinh thần cho chị em phụ nữ rất nhiều. Họ đã hiểu hơn và đặc biệt nhìn thấy rõ ràng kết quả của chính sách BHXH này nên nhiều người đã đăng ký tham gia. Đến nay, xã Bình Định có 150 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó riêng từ đầu năm 2019 đến nay có 60 người tham gia, trong đó có 10 người chọn đóng 5 năm liền. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, mỗi tháng tuyên truyền 2 lần trên đài truyền thanh xã để người dân hiểu rõ hơn về chính sách này, nhiệt tình tham gia để sau này có được một cuộc sống tốt hơn khi hết tuổi lao động.

Bà Tống Thị Hà, xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương

Tháng 10 vừa qua, tôi đã được nhận tháng lương hưu đầu tiên là 682.100 đồng/tháng. Mặc dù với nhiều người, đây là số tiền không lớn nhưng với chúng tôi được lĩnh số tiền này mỗi tháng là rất quý, bù phụ được nhiều khoản chi tiêu bởi chúng tôi làm nghề nông, từ trước tới nay thu nhập cả năm chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, ít rau màu... Tôi được biết, những năm qua, Nhà nước có nhiều đợt điều chỉnh lương hưu. Như vậy, tiền lương của tôi cũng sẽ được tăng, tôi cũng yên tâm đến lúc không còn làm việc được vẫn có tiền sinh sống mà không lo phải phiền đến con cháu.


Nhóm phóng viên


  • Từ khóa