Thứ 3, 26/11/2024, 02:27[GMT+7]

Giám sát chuyên đề: Tháo gỡ “nút thắt”

Thứ 4, 11/12/2019 | 09:51:44
1,635 lượt xem
Giám sát chuyên đề là một trong những hoạt động trọng tâm của Thường trực và các ban HĐND tỉnh thời gian qua nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương vào đời sống.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát việc quản lý, tổ chức lễ hội và tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia tại chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư)

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị, vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri và nhân dân, vấn đề lớn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thường trực và các ban HĐND tỉnh sẽ lựa chọn tổ chức giám sát chuyên đề. Từ đầu năm đến nay, ngoài giám sát thường xuyên, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã tiến hành hàng chục cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực như: phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; công tác quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh... Theo đồng chí Trịnh Quang Hiệp, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh: Giám sát chuyên đề phải thực sự chuyên sâu, đi thẳng vào những vấn đề thời sự được cử tri đặc biệt quan tâm. Giám sát phải chỉ trúng cái gì được, cái gì chưa được và quan trọng nhất là đề xuất các giải pháp giúp đơn vị chịu sự giám sát phát huy ưu điểm, kịp thời sửa chữa, khắc phục nhược điểm. Sau mỗi cuộc giám sát, phải tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận của đơn vị chịu sự giám sát thì hiệu quả mới cao. Đây là nhận thức đúng đắn, bước tiến dài để nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề nói riêng, hoạt động của HĐND tỉnh nói chung.


Khi Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh thì một số tồn tại, hạn chế của các địa phương được đưa ra. Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh khẳng định: Quá trình giám sát, khảo sát thực tế cho thấy trách nhiệm của chính quyền cơ sở một số nơi chưa được đề cao, sự phối hợp giữa các sở, ngành chủ trì với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, nhận thức của đối tượng thụ hưởng còn hạn chế nên dẫn đến sai phạm ở một số địa phương. Sau khi có ý kiến của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, thực hiện nghiêm túc và khắc phục ngay những thiếu sót trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 09, làm tốt hơn nữa công tác bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ sinh kế đúng đối tượng, đúng quy định, góp phần giảm nghèo bền vững.


Khi trên địa bàn tỉnh bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát kết quả công tác phòng, chống dịch tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số xã. Qua giám sát ghi nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo dập dịch đã được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ các địa phương phòng, chống và dập dịch. Thường trực HĐND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêu hủy lợn mắc bệnh, chủ động rà soát, xác minh, thống kê, kiểm soát số lượng lợn tiêu hủy, khẩn trương hoàn tất thủ tục, hồ sơ hỗ trợ các chủ hộ có lợn bị tiêu hủy bảo đảm đúng quy trình, tránh tình trạng trục lợi chính sách...


Khi thực hiện giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, đoàn giám sát của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đã chỉ ra: Người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong theo dõi, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thực hiện chưa tốt nên hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa cao. Ngay sau cuộc giám sát, việc xây dựng, ban hành các loại văn bản của toàn bộ hệ thống chính trị đã được chấn chỉnh, thay đổi một cách tích cực. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và từ ngày 1/11/2019 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.


Mới đây nhất, đợt giám sát chuyên đề công tác quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh đã cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất của các dự án chưa cao, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp thấp, công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng. Vì thế, trong phiên giải trình đầu tiên về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương chủ động rà soát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc, đối tượng vi phạm kéo dài, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận...


Có thể nói, giám sát chuyên đề vừa đáp ứng được tính thời điểm của các vấn đề bức xúc vừa là cơ chế hữu hiệu để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, đã nhận được sự đồng thuận lớn của xã hội, của cử tri.


Thu Hiền

  • Từ khóa