Thứ 4, 24/07/2024, 13:18[GMT+7]

Tiếp tục phiên thảo luận tổ đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình

Thứ 5, 12/12/2019 | 18:05:02
2,215 lượt xem
Chiều ngày 12/12, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục chia 8 tổ thảo luận để các đại biểu đóng góp ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Thành phố thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1212_tiep_tuc_phien_thao_luan_mixdown.mp3

Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, thường trực HĐND các huyện, thành phố.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Đông Hưng thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm nổi bật những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019. Các đại biểu cũng chỉ rõ một số hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019. Nguyên nhân  chủ yếu là do công tác chỉ đạo, điều hành ở một số ngành, địa phương chưa tốt, vận dụng thiếu linh hoạt, chậm trễ trong tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chưa cao… Do vậy, các đại biểu đề nghị thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong  thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Các đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện các chủ trương mới của tỉnh thời gian qua như: xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu; phát triển đàn trâu bò thương phẩm… còn chậm, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế chính sách nhằm thu hút hơn nữa các nhà đầu tư trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hình thức hợp tác, hình thành liên kết sản xuất  theo chuỗi; phát triển đàn trâu bò thương phẩm cần có quy hoạch vùng gắn với công tác bảo vệ môi trường; xem xét, có định hướng tái đàn lợn sau khi hết dịch bệnh tả lợn châu Phi khi đủ điều kiện và cung cấp đủ nhu cầu thịt lợn cho nhân dân; chỉ đạo ngành chức năng tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân; có cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu… 

Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các đại biểu cho rằng công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn có biểu hiện buông lỏng, để xảy ra các vi phạm, làm trái với quy định của pháp luật đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có phương án xử lý đất xen kẹp trong khu dân cư tạo nguồn đấu giá xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý đất đai trong các khu, cụm công nghiệp, chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác cát trái phép trên một số tuyến sông, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và sản xuất, đời sống gây bức xúc trong nhân dân. Hiện nay, một số lò đốt rác sinh hoạt ở một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả, đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động và việc thực hiện chính sách hỗ trợ lò đốt rác…

Về lĩnh vực công thương, giao thông, xây dựng cơ bản, các đại biểu đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh phương án để bình ổn giá dịp tết Nguyên đán, đặc biệt là giá thịt lợn hiện nay đang ở mức cao. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm, xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Hiện nay, hạ tầng điện ở một số địa phương nhất là khu vực thành phố xuống cấp, dây điện, dây cáp viễn thông giăng mắc chằng chịt gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… đề nghị có giải pháp xử lý. Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng một số tuyến đường, đê, cầu, cống đã xuống cấp; chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát sau đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, các đại biểu đề nghị tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, bố trí kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên,  thực hiện chương trình thay sách giáo khoa… Hiện nay vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, vấn đề ăn bán trú ở các cấp học, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ còn nhiều bất cập, đề nghị tỉnh quan tâm, khắc phục. Ngành chức năng cần siết chặt quản lý các doanh nghiệp tư vấn, đưa người đi xuất khẩu lao động trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, các cơ sở kinh doanh hoạt động du lịch, thể thao, công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội; giải quyết những tồn tại, hạn chế trong giải quyết các chế độ chính sách cho người có công. 

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh trật tự, xây dựng chính quyền, tiếp công dân và giải quyết đơn thư cũng được các đại biểu tập trung kiến nghị; trong đó đề nghị tỉnh đặc biệt chú trọng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của nhân dân, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự dịp cuối năm.

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các khách mời sẽ được tiếp thu, tổng hợp báo cáo tại phiên họp HĐND tỉnh sáng ngày 13/12.

Trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 12/12, phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi ý kiến của các đại biểu:

 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh

Năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh. Vì thế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 nên nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng khá. Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh phát triển chưa bền vững, chưa thu hút được nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp; số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn ít, nhất là các doanh nghiệp thương mại lớn làm vai trò dẫn dắt thị trường… Tôi đề nghị các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành cần bám sát hơn nữa kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lấy ý kiến của đối tượng thụ hưởng trước khi ban hành, quyết định các cơ chế, chính sách, các đề án, dự án. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ phê duyệt số lượng giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng trợ cấp là 3.922 người, sẽ giúp cho ngành Giáo dục và Đào tạo có thêm nguồn lực con người để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ bậc Mầm non. Tuy nhiên với số lượng giáo viên lớn như vậy cần đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ nên đề nghị tỉnh từng bước hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện để ngành thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hỗ trợ kinh phí giúp các trường thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Thời gian qua, hoạt động của các trung tâm tin học, ngoại ngữ, việc cấp các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ còn nhiều bất cập, không đúng quy định. Vừa qua,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên. Đây là chủ trương đúng, kịp thời, bịt được các “lỗ hổng” trong việc đào tạo và cấp loại chứng chỉ này. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ, nếu phát hiện các sai phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Qua ý kiến phản ánh của cử tri và qua kiểm tra, giám sát của ngành cho thấy thời gian qua công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, bất cập; còn doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng đất nhưng lại chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Theo tôi nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do những bất cập trong các quy định của pháp luật về quản lý đất đai; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của các doanh nghiệp còn hạn chế; chính quyền một số địa phương, cơ sở buông lỏng quản lý, không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Để công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các doanh nghiệp trong quá trình chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai. Sở cũng sẽ tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của các doanh nghiệp, qua đó chấn chỉnh, hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình quản lý, sử dụng đất.

Đồng chí Nguyễn Văn Bái, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội như: giải quyết chế độ chính sách cho người có công, thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công, lao động và việc làm, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo; đặc biệt vấn đề nóng hiện nay là quản lý các doanh nghiệp tư vấn, đưa người đi xuất khẩu lao động Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng một số người dân bị một số đối tượng lừa đảo nộp tiền đi xuất khẩu lao động nhưng không xuất cảnh được hoặc đưa người ra nước ngoài trái phép. Về vấn đề này, Sở sẽ tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động để người dân biết; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị trên địa bàn. Tuy nhiên, để không bị mắc bẫy các đối tương lừa đảo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp khi đăng ký đi xuất khẩu lao động. Các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những đối tượng lừa đảo người dân hoặc đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép.

Đồng chí Phạm Hồng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình là thời cơ, điều kiện thuận lợi để tỉnh nói chung, 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải nói riêng khai thác và phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa kinh tế của khu vực ven biển, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện. Song khi triển khai, số lượng doanh nghiệp, lao động thu hút vào địa bàn nhiều lượng rác thải sinh hoạt sẽ lớn, vì vậy, tôi đề nghị tỉnh dành quỹ đất xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trong Khu kinh tế Thái Bình; có cơ chế đặc thù trong điều hành cho Tiền Hải và Thái Thụy để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đồng chí Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (Kiến Xương)

Tôi đánh giá cao chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu. Thực hiện quy hoạch dân cư và quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân theo hướng hình thành các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu với quy mô, kiến trúc phù hợp sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch, quản lý đất đai tại các địa phương, góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, khi triển khai chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu các địa phương gặp khó khăn vì chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu đợi đến khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thể lỡ cơ hội của nhà đầu tư. Trong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã có quy hoạch khu dân cư tập trung, trong đó đã có các điểm giãn dân. Do vậy, tôi đề nghị tỉnh có cơ chế tạo thuận lợi cho địa phương có nhu cầu đấu giá đất để có nguồn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Mạnh Cường - Thu Hiền 


 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày