Thứ 4, 24/07/2024, 15:20[GMT+7]

Nhiều nội dung quan trọng được thảo luận tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ 7, 14/12/2019 | 15:11:08
1,044 lượt xem
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trong buổi thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ chín ngày 13/12, HĐND tỉnh khóa XVI đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp.

Đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết

Đại biểu Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tổ Thái Thụy)

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh triển khai thực hiện đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Ngành đã tham mưu họp các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố để triển khai thực hiện đề án. Sở tổ chức 19 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao cho 988 cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở và một số chủ trang trại chăn nuôi bò; lựa chọn xây dựng 16 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học, phun xử lý môi trường, hỗ trợ 800 lít chế phẩm sinh học để thực hiện thí điểm. Đến nay, nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học có kết quả tốt được đánh giá cao. Sở phối hợp thành lập 1 HTX chăn nuôi công nghệ cao tại xã Tân Hòa (Vũ Thư), đang hoàn thiện thủ tục thuê đất để trồng cây nguyên liệu làm thức ăn cho trâu bò tại xã Văn Cẩm (Hưng Hà) với diện tích 35ha. Đã mời Công ty TNHH Trí Việt đầu tư trồng cỏ trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 1000ha sản xuất thức ăn phục vụ phát triển đàn trâu bò trong tỉnh và xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tiến độ triển khai, thực hiện đề án, kế hoạch tại một số sở, ngành và địa phương còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu. Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp “hạt nhân”, đầu tư xây dựng trang trại “lõi” gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị HĐND, UBND tỉnh phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết; bố trí kinh phí thực hiện hỗ trợ tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trang trại “lõi”; bố trí ngân sách để thực hiện cơ chế, chính sách sau khi ban hành trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Chỉ đạo rà soát, bổ sung kế hoạch sử dụng đất để có quỹ đất thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư chăn nuôi trâu bò. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ, tổ chức thực hiện nội dung theo kế hoạch đạt tiến độ và hiệu quả.


Tăng cường đầu tư phát triển du lịch

Đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tổ Thái Thụy)

Thái Bình nằm trong không gian trung tâm du lịch Hà Nội và vùng phụ cận, thuộc vùng du lịch đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch biển... có nhiều thuận lợi cho tỉnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển du lịch còn hạn chế, 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh mới đón được khoảng 800.000 lượt khách. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm của du lịch tỉnh thấp, sự đầu tư cho phát triển du lịch những năm gần đây đã được chú ý song còn thiếu nhiều điều kiện nền tảng hạ tầng cần thiết; lối tư duy, cách nghĩ, cách làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp; các loại hình du lịch còn khá đơn điệu, chủ yếu là du lịch tâm linh, thiếu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Tỉnh cũng chưa xây dựng được những trung tâm du lịch lớn đủ sức cạnh tranh và liên kết các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Để phát triển du lịch trở thành động lực cho các ngành kinh tế khác, tỉnh cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiến hành khảo sát, nghiên cứu và tập trung nguồn lực để tạo ra một số khu, điểm du lịch trung tâm có thương hiệu đủ sức thu hút khách du lịch quanh năm; tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy các khu, điểm du lịch xung quanh, từ đó lan tỏa dần ra toàn tỉnh. Nghiên cứu và đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch “nhân tạo” để tăng tính phong phú, hấp dẫn của các tua, tuyến du lịch. Phát triển du lịch cân bằng giữa 2 hướng: du lịch phổ thông và du lịch đẳng cấp. Để làm được điều đó, Sở sẽ mời một số chuyên gia du lịch có uy tín cùng hợp tác nghiên cứu, tư vấn, tham mưu cho UBND tỉnh và các cấp chính quyền tiến hành đánh giá một cách tổng thể du lịch Thái Bình từ tài nguyên, lợi thế, tiềm năng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đến trình độ, khả năng cạnh tranh... từ đó hoạch định chiến lược,  kế hoạch tổng thể, cơ chế thu hút đầu tư để phát triển kinh tế du lịch một cách mạnh mẽ và bền vững. Lựa chọn xây dựng một thương hiệu, biểu tượng du lịch đủ mạnh, đặc trưng của tỉnh.


Huy động mọi nguồn lực để tăng thu ngân sách

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

Cùng với kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng thì công tác tài chính - ngân sách của tỉnh trong năm qua cũng đạt được những kết quả tích cực. Với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp,  năm nay cả  3 cấp ngân sách đều vượt thu, dự  kiến  vượt khoảng 1.800 tỷ đồng, sẽ tạo nguồn lực để xử lý một bước nợ đọng xây dựng cơ bản ở cả 3 cấp. Với cấp tỉnh  đã ưu tiên vốn xử lý các công trình đã quyết toán, đặc biệt là các công trình có khối lượng thực hiện lớn, nên nợ đọng xây dựng cơ bản nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở cấp xã có giảm nhưng không đáng kể. Vì vậy, chúng tôi đề nghị năm 2019 với điều kiện vượt thu như vậy các huyện chỉ đạo các xã huy động tối đa các nguồn lực xử lý nợ đọng xây dưng cơ bản theo chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với khoản vượt thu và cân đối ngân sách năm 2020, Thái Bình đặt mục tiêu hết năm 2020 cả 3 cấp cơ bản xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản. Về dự toán ngân sách năm 2020 của tỉnh, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho Thái Bình tổng thu nội địa khoảng 6.900 tỷ đồng, so với dự toán Chính phủ giao năm 2019 thì chỉ  tăng 10,3%, nhưng so với mức thực hiện của năm 2019 thì mới đạt 85,3%. Vì vậy mục tiêu đặt ra là năm 2020, Thái Bình phấn đấu tăng thu từ 10% trở lên là hoàn toàn có căn cứ, cơ sở thực hiện. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng với sự nỗ lực quyết tâm và kết quả thu ngân sách của năm 2019 đã đạt được thì năm 2020 chắc chắn Thái Bình sẽ vượt thu cao hơn so với năm 2019, tạo điều kiện cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ trong điểm và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.


Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào tỉnh

Đại biểu Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dam San

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh trong năm 2019 có nhiều đổi mới và hiệu quả. Đặc biệt là việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” - tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết, đóng dấu và trả kết quả ngay tại nơi tiếp nhận. Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành đã vào cuộc quyết liệt giảm thời gian, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi đến làm thủ tục hành chính. Chúng tôi rất vui mừng khi  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Đây là cơ hội cho Thái Bình phát triển và cũng là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh cần có cơ chế, chính sách, có chỉ đạo thông suốt của các cấp, các ngành. Hiện tỉnh đang thực hiện thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình song thủ tục đầu tư đang gặp khó khăn, vì vậy, tỉnh cần xem xét, tháo gỡ kịp thời. Thành lập một khu tẩy nhuộm cao cấp, quản lý chặt chẽ hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may, nhất là các doanh nghiệp sản xuất tẩy nhuộm trong tỉnh. Tỉnh cũng cần rà soát, nghiên cứu lại các lĩnh vực sản xuất được cho phép đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Bên cạnh đó, tỉnh cần xem xét, thẩm định kỹ lưỡng năng lực khi cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh.


Tạo điều kiện hơn nữa thúc đẩy y tế tư nhân phát triển

Đại biểu Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị  kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa (tổ thành phố Thái Bình)

Những năm qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống y tế tư nhân. Nhờ vậy, đến nay Thái Bình có mạng lưới y tế ngoài công lập rộng khắp với 6 bệnh viện đa khoa tư nhân, 40 phòng khám đa khoa và khoảng 500 phòng khám  chuyên khoa Tây và Đông y với chất lượng khá tốt, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là các bệnh viện và phòng khám tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT vẫn chỉ được thanh toán giá một phần viện phí giống như các bệnh viên công lập. Bởi giá một phần viện phí được xây dựng trên cơ sở chưa tính các chi phí như khấu hao xây dựng cơ sở hạ tầng, khấu hao thiết bị, thực tế đây là một khoản chi phí rất lớn. Do vậy, khi y tế tư nhân tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh cho các đối tượng BHYT chưa được tính các chi phí như khấu hao xây dựng cơ sở hạ tầng, khấu hao thiết bị sẽ rất khó khăn, hiệu quả đầu tư rất thấp, có những phòng khám tư nhân chưa dám tham gia vào hoạt động này. Tôi đề nghị, HĐND tỉnh thảo luận, xem xét và có những ý kiến, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội để có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện hơn nữa thúc đẩy y tế tư nhân phát triển mạnh hơn nữa.

Thực hiện tốt hơn các chế độ chính sách cho người có công

Đại biểu Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Phụ (tổ Quỳnh Phụ)

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng. Tuy nhiên, cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận gia đình người có công với cách mạng cuộc sống khó khăn. Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn có người, gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị HĐND, UBND tỉnh bố trí tăng ngân sách, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi về kinh tế - xã hội nhằm nâng cao mức sống cho người có công để bản thân và gia đình họ có mức sống trên trung bình. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể và nhân dân giám sát việc thực hiện công tác chăm sóc, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tập trung chỉ đạo giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng bảo đảm dứt điểm, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định. Tổ chức thực chứng và công khai kết quả thực chứng các trường hợp trong quá trình lập hồ sơ và giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo sớm hoàn thiện đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tiếp tục quan tâm hỗ trợ cải thiện nhà từ các nguồn lực cho người có công không có tên trong đề án bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác.

Chú trọng đầu tư cho quy hoạch xây dựng nông thôn

Đại biểu Hoàng Tố Linh Chi, Sở Xây dựng (tổ Đông Hưng)


Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015, 100% số xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, phát triển kinh tế nông thôn. Đăc biệt, vừa qua tỉnh đã ban hành chủ trương về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu hướng tới xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, quy hoạch và thiết kế khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu là nội dung mới chưa được quy định cụ thể trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch và xây dựng nên gây khó khăn cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch. Việc thiết kế mẫu cho khu dân cư nông thôn thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu  cũng gặp khó khăn do phong tục, tập quán thói quen sinh hoạt của người dân ở mỗi địa phương khác nhau. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chuyên môn, các địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương hoàn thiện các quy định của pháp luật để thuận tiện cho việc triển khai thành công các chủ trương, đường lối của Đảng; lựa chọn cá nhà tài trợ, cá nhà đầu tư có năng lực thực hiện có tâm và có tầm để đóng góp sản phẩm quy hoạch, các khu dân cư chất lượng cho tỉnh; lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế quy hoạch có chất lượng. Tỉnh sớm ban hành thiết kế điển hình khu dân cư nông thôn và nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu bảo đảm các yếu tố thẩm mỹ, kinh tế, phù hợp phong thủy và phong tục tập quán của địa phương. Tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư tài chính để xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Thường xuyên rà soát lại việc quy hoạch xây dựng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là công tác giám sát cộng đồng, kịp thời phát hiện những thiếu sót, những điều chưa phù hợp.

Mạnh Cường – Thu Hiền - Thành Tâm



  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày