Thứ 6, 17/01/2025, 02:41[GMT+7]

Làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất

Thứ 5, 19/12/2019 | 09:29:02
1,353 lượt xem
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) triển khai nghiêm túc, tạo thành ý thức tự giác của chị em. Nổi bật là việc học và làm theo Bác gắn với phong trào vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm và tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đường hoa phụ nữ làm đẹp làng quê.

Ở xã Minh Hòa (Hưng Hà), hàng tháng, mỗi chị em tiết kiệm 10.000 đồng để giúp nhau phát triển kinh tế. Các chị cũng thành lập các nhóm nuôi lợn nhựa tiết kiệm giúp nhau mua thẻ bảo hiểm y tế, tham gia xây dựng hũ gạo tình thương. Mỗi năm số tiền các chị tiết kiện được hơn 55 triệu đồng, hàng tạ gạo giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Hoàng Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hòa cho biết: Nếu mỗi chị em tiết kiệm riêng lẻ thì số tiền không nhiều nhưng khi chúng tôi tập trung lại thì giá trị mang lại rất lớn không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Cách làm của phụ nữ Minh Hòa cũng là cách làm của nhiều hội phụ nữ cơ sở khác trong thực hiện giao ước thi đua “Phụ nữ Thái Bình làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Các cấp hội đã duy trì, nhân rộng các mô hình tiết kiệm bằng nhiều hình thức như: nuôi lợn nhựa, hòm, ống tiết kiệm; tiết kiệm thóc, gạo; thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn theo các chương trình vay vốn của các ngân hàng, các dự án... Trong 3 năm, các chị đã tham gia tiết kiệm hơn 162 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội tuyên truyền, vận động phụ nữ tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, tiết kiệm điện, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện nếp sống trong việc cưới, việc tang; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau thông qua các hình thức cho vay không lấy lãi, giúp không hoàn lại, xây dựng mái ấm tình thương, cặp lá yêu thương, học bổng giúp học sinh nghèo đến trường, trao tặng con giống, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tặng quà nhân dịp lễ, tết... với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, Thái Bình là 1 trong 8 tỉnh của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cấp xã. Tỉnh có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, các huyện còn lại đã hoàn thành 9/9 tiêu chí, được đoàn thẩm tra của tỉnh đánh giá kết quả, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị trung ương thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Trong thành tích chung đó có đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ. 

Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đối với việc vận động phụ nữ tham gia xây dựng NTM, chúng tôi đã bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ, đi từ nhu cầu tối thiểu cuộc sống của mỗi gia đình, từ những việc chị em có thể làm được để vận động chị em làm. Các cơ sở hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng NTM như: hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ, vận động hội viên, phụ nữ xây dựng, nhân rộng các mô hình về phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp hội phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức đào tạo nghề mới, đào tạo lại cho hơn 1.000 lao động nữ, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp phụ nữ khởi nghiệp. Chúng tôi cũng đẩy mạnh khai thác nguồn vốn vay từ các ngân hàng và các nguồn vốn khác giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với đó, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, công tác hậu phương quân đội đã được các cấp hội thực hiện hiệu quả. Trong 3 năm, các cấp hội đã vận động ủng hộ xây dựng, sửa chữa 71 ngôi nhà tình thương trị giá 2,867 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, thanh niên lên đường nhập ngũ... trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều mô hình đã tạo nên thương hiệu của phụ nữ như: hũ gạo tình thương, đường hoa phụ nữ; thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại gia đình; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng...

Với cách lựa chọn những vấn đề thiết thực, đúng với nhu cầu thực tế, phù hợp với khả năng thực hiện của phụ nữ, đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua không chỉ là những mục tiêu, chỉ tiêu trong các văn bản, nghị quyết của hội mà còn trở thành nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên của chị em và các cấp hội LHPN.

Xuân Phương

  • Từ khóa