Thứ 7, 23/11/2024, 08:36[GMT+7]

Chăn nuôi - hướng đi mới từ khó khăn

Thứ 4, 25/12/2019 | 08:33:25
3,191 lượt xem
Năm 2019 là năm khó khăn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Mặc dù các cấp, các ngành, các địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, khống chế nhưng bệnh dịch vẫn lây lan, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lại là cơ hội để ngành chăn nuôi Thái Bình tìm ra hướng đi mới, đó là phát triển chăn nuôi đại gia súc, cụ thể là chăn nuôi trâu, bò thương phẩm.

Nhiều mô hình chăn nuôi bò thương phẩm ở các địa phương cho hiệu quả kinh tế cao.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trung tuần tháng 2/2019, ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên phát sinh tại xã Đông Đô (Hưng Hà), sau đó lây lan tại 281/282 xã, phường, thị trấn có hộ chăn nuôi lợn của 8 huyện, thành phố. Tính đến ngày 5/12/2019, tổng số lợn tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là 377.498 con với tổng trọng lượng 18.817.568kg. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy lợn mắc bệnh theo quy định, khoanh vùng ổ dịch, chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; huy động mọi nguồn lực mua hóa chất, vôi bột để tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh; thành lập các đội kiểm dịch lưu động, các chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát các hoạt động vận chuyển. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn do số lượng hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lớn, mật độ chăn nuôi cao, hầu hết là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư nên khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; dịch bệnh xảy ra đồng loạt tại nhiều địa phương ở cùng một thời điểm trong khi lực lượng thú y mỏng nên việc xử lý lợn chết, công tác phòng dịch chưa kịp thời, triệt để.

Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân giảm mạnh khiến khâu tiêu thụ đàn lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất bán gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi, đặc biệt là chủ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi với số lượng lớn còn ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn. Trước tình hình trên, tỉnh đã phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn toàn tỉnh góp phần tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan và gây bệnh trên người, từ đó yên tâm sử dụng thịt lợn sạch, an toàn; hỗ trợ các trang trại, gia trại có lợn khỏe mạnh đã đăng ký là cơ sở an toàn dịch bệnh lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy kiểm dịch xuất bán ra thị trường.

Do ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn toàn tỉnh giảm mạnh, gây khó khăn trong việc tiêu hủy, tiêu thụ thịt lợn và công tác tái đàn. Tính đến tháng 11/2019, đàn lợn toàn tỉnh còn khoảng 750.000 con (bằng 75% so với cùng kỳ năm 2018). Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định công bố hết dịch tại 4 địa phương gồm thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương và huyện Hưng Hà. Tình hình chăn nuôi đang dần đi vào ổn định, người chăn nuôi các địa phương vẫn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, từng bước tái đàn lợn và chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp để bù đắp lại thiệt hại kinh tế.

Chăn nuôi lợn đang dần đi vào ổn định.

Hướng đi mới cho ngành chăn nuôi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong tỉnh, đòi hỏi phải tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Đây là dịp để ngành chăn nuôi tìm ra hướng đi mới đó là phát triển chăn nuôi đại gia súc, cụ thể là chăn nuôi trâu, bò thương phẩm bởi tỉnh có nhiều lợi thế như địa hình bằng phẳng, đất đai, khí hậu, thời tiết thuận lợi; diện tích cây trồng hàng năm và sản lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn có thể sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò; nguồn lao động dồi dào; người dân có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ trâu, bò cao.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, tình hình chăn nuôi trâu, bò của tỉnh tăng cả về số lượng và sản lượng qua các năm. Trong 5 năm, số lượng đàn bò toàn tỉnh tăng từ 44.109 con (năm 2013) lên 48.592 con (năm 2018), tốc độ tăng trưởng số lượng đàn trung bình đạt 2,03%/năm. Sản lượng thịt bò năm 2018 đạt 7.883 tấn, tăng 2,32 lần so với năm 2013; tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trung bình đạt 26,25%/năm. Số lượng đàn trâu của tỉnh tăng từ 5.801 con (năm 2013) lên 6.280 con (năm 2018), tốc độ tăng bình quân 1,65%/năm. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2018 là 795 tấn, tăng bình quân 15,49%/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 60 điểm giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh với khoảng 5.355 tấn thịt bò/năm. Để khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đưa chăn nuôi trâu, bò trở thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và sớm đạt mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh có Quyết định số 2256/QĐ-UBND về ban hành đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu đến hết năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu phát triển tổng đàn trâu, bò đạt 70.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt 30.000 con trở lên; hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò trong tỉnh đạt 180.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt 80.000 con trở lên. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất dành cho chăn nuôi trâu, bò; tổ chức sản xuất chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi; nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực phục vụ chăn nuôi; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút phát triển các doanh nghiệp “hạt nhân”, đầu tư trang trại “lõi” và khuyến khích hình thành các đối tượng chăn nuôi vệ tinh trong chuỗi liên kết. Nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2019 - 2025 dự kiến trên 6.500 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi từ nuôi lợn sang phát triển đàn trâu, bò thương phẩm là hướng đi phù hợp góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn như chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi; tận dụng được nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.


Thanh Huyền