Thứ 6, 27/12/2024, 23:22[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp và dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn

Thứ 4, 25/12/2019 | 16:06:49
3,472 lượt xem
Sáng ngày 25/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Công Thương báo cáo tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh báo cáo Dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn (Quỳnh Phụ).

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Các đồng chí lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố và đại diện các nhà đầu tư hạ tầng CCN dự cuộc họp.

Đến ngày 31/10/2019, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 CCN được thành lập với tổng diện tích 2.353,6ha; trong đó 43 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.735,06ha. 23 CCN có nhà đầu tư hạ tầng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, 13 CCN có nhà đầu tư xin đăng ký nghiên cứu đầu tư hạ tầng; còn lại một số CCN đã thành lập giao cho Trung tâm phát triển CCN huyện, thành phố làm chủ đầu tư hạ tầng. 

Theo Sở Công Thương, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng CCN được triển khai đồng bộ, hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hạn chế sản xuất phân tán không theo quy hoạch. Việc điều chỉnh, mở rộng một số CCN thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch, tạo thuận lợi thu hút dự án đầu tư. Phần lớn các nhà đầu tư hạ tầng đã chủ động trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện trong công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; các nhà đầu tư đã chủ động kêu gọi xúc tiến thu hút các dự án thứ cấp vào CCN. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn như triển khai chậm, tỷ lệ lấp đầy diện tích công nghiệp thấp; hầu hết các CCN đều chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung; hiệu quả sử dụng đất của một số dự án chưa cao...

Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo tình hình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp, đại diện một số nhà đầu tư hạ tầng chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện phát biểu làm rõ những tồn tại, nguyên nhân tồn tại trong các CCN và của nhà đầu tư khiến việc triển khai xây dựng các CCN còn hạn chế thời gian qua.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, các nhà đầu tư hạ tầng trong thực hiện xây dựng các CCN và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN. Để sớm khắc phục những bất cập của CCN góp phần phát triển công nghiệp, kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư hạ tầng về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng thực hiện đầu tư xây dựng bảo đảm đúng quy hoạch, tiến độ, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư thứ cấp có chất lượng cao vào hoạt động trong các CCN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lợi ích của các CCN để người dân nắm bắt đầy đủ, đồng thuận thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, gọn. 

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà đầu tư hạ tầng CCN tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng CCN bảo đảm chất lượng, đồng bộ, đúng tiến độ và đúng quy hoạch. Thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải theo quy định của pháp luật, tránh gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường thu hút nhà đầu tư thứ cấp có năng lực, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động, sớm lấp đầy diện tích đất công nghiệp trong CCN để phát huy hiệu quả sử dụng đất. Đối với các ý kiến, kiến nghị của một số nhà đầu tư hạ tầng, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ghi nhận và cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

Cũng tại cuộc họp, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (Ban Quản lý) báo cáo Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, huyện Quỳnh Phụ. Đến nay, Ban Quản lý đã tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu; thực hiện khảo sát lưu lượng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, trình thẩm định theo quy định; thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Thời gian tới, Ban Quản lý xây dựng tiến độ và các bước quy trình hoàn tất thủ tục đầu tư để UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt đầu tư dự án; tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn là dự án có ý nghĩa quan trọng, giải quyết nhu cầu về giao thông và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; vì vậy, việc đầu tư dự án này là rất cần thiết. Tuy nhiên, để dự án sớm được triển khai thực hiện, Ban Quản lý cần xây dựng lại tiến độ thực hiện theo hướng đẩy nhanh các bước quy trình, thủ tục để UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt đầu tư dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan lập kế hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện. Thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ xây dựng quy hoạch quỹ đất tạo nguồn vốn đầu tư cho dự án đúng quy định của pháp luật.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày