Thứ 5, 26/12/2024, 08:53[GMT+7]

Hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 26/12/2019 | 21:49:18
1,277 lượt xem
Xác định phát triển sản xuất (PTSX) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, giúp các địa phương thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mô hình trồng mía tím tại xã Điền Trung (Bá Thước).

Do đó, từ khi bắt đầu xây dựng NTM, cùng với sự hỗ trợ và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ PTSX gắn với xây dựng NTM. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đều ban hành các chính sách hỗ trợ PTSX gắn với xây dựng NTM, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Điều này đã và đang tạo ra sức lan tỏa lớn trong nhân dân, giúp nhiều hộ dân tiếp cận được với những giống cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Tại huyện Như Thanh, để tạo động lực cho các hộ dân PTSX, nâng cao thu nhập, huyện đã ban hành và thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy, máy gieo mạ; hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP, kinh phí tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất rau an toàn; hỗ trợ 1 năm đầu lãi suất vay ngân hàng để đầu tư xây dựng nhà lưới cho các mô hình sản xuất rau cao cấp, ứng dụng công nghệ cao... Việc ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nên việc PTSX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Như Thanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất tăng từ 55 triệu đồng/ha năm 2010 lên gần 90 triệu đồng/ha năm 2019. Toàn huyện đã có 4 ha rau an toàn tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, 4.000m2 nhà lưới sản xuất rau an toàn và xây dựng được hơn 100 ha rau an toàn; nhiều mô hình mới gắn với chương trình mỗi xã 1 sản phẩm trong nông nghiệp đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng như: Mô hình trồng nấm ở xã Yên Thọ; mô hình trồng đào ở xã Xuân Du; mô hình trồng riềng ở xã Cán Khê...

Để đẩy mạnh PTSX gắn với xây dựng NTM, huyện Hà Trung đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ PTSX, như: Hỗ trợ kiên cố đường giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà màng; hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng gia súc, gia cầm cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ lãi suất ngân hàng, trợ giá giống... Kết quả thu được từ các chính sách hỗ trợ nói trên là huyện đã xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở 10 xã. Xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như: Trồng lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, quy mô 220 ha/vụ, đạt giá trị gấp 1,8-2 lần so với sản xuất lúa tẻ thông thường; trồng dưa chuột khoảng 100 ha, đạt lợi nhuận 100 - 120 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ PTSX đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất. Qua đó, đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, nhất là khu vực miền núi.

Theo baothanhhoa.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày