Thứ 7, 11/01/2025, 04:17[GMT+7]

Đất Thái Bình sinh những anh hùng

Thứ 2, 30/12/2019 | 08:51:25
27,564 lượt xem
Trong không khí cả nước kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, người dân Thái Bình lại nhớ về Đại tướng Hoàng Văn Thái và Thượng tướng Đào Đình Luyện - hai vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, hai người con ưu tú của “Quê hương 5 tấn”.

Gian thờ Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân tại Khu tưởng niệm Đại tướng, xã Tây An.

Vị tướng văn, võ vẹn toàn


Đó là Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh ngày 1/5/1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải). Là cậu bé ham học, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước, đến năm 13 tuổi, ông phải bỏ học đi làm thuê nhiều nơi. Năm 1936, Hoàng Văn Xiêm trở về quê và tích cực hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tháng 3/1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1941, ông lấy bí danh là Quốc Bình cùng với một số đồng chí được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối tháng 10/1944, Hoàng Văn Xiêm về nước với bí danh mới là Hoàng Văn Thái.


Là người trông coi khu tưởng niệm Đại tướng Hoàng Văn Thái tại quê nhà, ông Hoàng Xuân Phương, Trưởng tộc chi họ Hoàng làng An Khang thường xuyên tìm kiếm, nghiên cứu thêm các nguồn tư liệu viết về Đại tướng Hoàng Văn Thái để củng cố thêm vốn kiến thức của mình. Ông Phương chia sẻ: Tôi tự hào là thế hệ hậu sinh của cụ Thái. Hiện nay, khu tưởng niệm đang trưng bày hơn 300 tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Đây là nguồn tư liệu rất quý để tôi giới thiệu mỗi khi có đoàn đến thăm viếng. Cách đây tròn 75 năm, ngày 22/12/1944, cụ Thái khi đó là 1 trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Cụ là người cầm lá cờ trong buổi lễ thành lập Đội. Trong trận đánh đồn Nà Ngần, cụ cũng là người cắm lá cờ chiến thắng. Một sự trùng hợp nữa, vào ngày 2/9/1945, phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những người được vinh dự kéo cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.


Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tham mưu cho đồng chí Hoàng Văn Thái. Khi trở thành Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông mới 30 tuổi. Cùng với cương vị Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Hoàng Văn Thái còn giữ cương vị Tham mưu trưởng trong các ban chỉ huy, đảng ủy viên các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới, Trung Du, Đường 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ.


Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị được giao, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã có công phát triển chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Lộc Ninh, cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Tây Ninh, chiến dịch Xuân Hè năm 1972 đến đại thắng mùa xuân năm 1975... Đại tướng Hoàng Văn Thái là người luôn kiên quyết trong tiến công, vững vàng lúc khó khăn, kiên trì phấn đấu vượt qua những thử thách lớn, tăng cường sức mạnh đoàn kết, giữ vững và nâng cao ý chí chiến đấu của quân và dân cả nước.
Cả cuộc đời gắn bó với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc; là người tổ chức, chỉ huy đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu - cơ quan chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam... Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “Là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa, được quân đội ta và nhân dân ta mến phục”.


Đồng chí Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh khẳng định: Dù Đại tướng Hoàng Văn Thái đã đi xa hơn 33 năm nhưng công lao và sự nghiệp của Đại tướng vẫn khắc ghi trong trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như hòa chung vào dòng chảy truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương Thái Bình, quê hương “Tiếng trống năm 30”, nơi đã sinh ra Đại tướng.

Đại tá Đào Minh Hưng, cháu Thượng tướng Đào Đình Luyện bên các kỷ vật của bác tại nhà thờ ở quê nhà, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).


“Anh cả” của bộ đội không quân anh hùng


Thượng tướng Đào Đình Luyện tên thật là Đào Mạnh Hùng, sinh ngày 5/11/1929 tại xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ). Ông nhập ngũ năm 1945 và bắt đầu chiến đấu ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng trên cương vị Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 44 (Liên khu 3). Sau đó, đơn vị của ông được Bộ điều lên Chiến khu Việt Bắc trong đội hình của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 để bảo vệ trung ương. Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông cùng đơn vị tham dự hầu hết các chiến dịch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 của ông đã vinh dự được đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Ngày đó, ông là cán bộ chỉ huy Trung đoàn.


Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 10/1955, ông Đào Đình Luyện được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 312, lúc chưa đầy 26 tuổi. Đến tháng 2/1956, ông nhận nhiệm vụ dẫn đầu đoàn học viên đi học lái máy bay tiêm kích đầu tiên tại Trung Quốc. Ngày 30/5/1963, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Sau khi đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ném bom phá hoại miền Bắc, ngày 6/8/1964, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện dẫn đầu Trung đoàn 921 chuyển toàn bộ đơn vị về sân bay Nội Bài. Từ chiến thắng trận đầu ngày 3/4/1965 và hàng trăm trận không chiến đánh trả không quân và hải quân Mỹ đến trận ném bom Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 đều có mặt ông trên bàn chỉ huy trận đánh với vai trò là “người tổ chức, kiến tạo” các thắng lợi của bộ đội không quân nhân dân Việt Nam.


Đại tá Đào Minh Hưng, công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga là cháu ruột Thượng tướng Đào Đình Luyện chia sẻ: Thượng tướng Đào Đình Luyện là một trong những người có công lớn mở đầu công tác tổng kết chiến thuật và cách đánh cho bộ đội không quân nhân dân Việt Nam, đối phó với các thủ đoạn luôn biến hóa của không quân Mỹ. Bằng kinh nghiệm công tác, chiến đấu, ông đã rèn luyện, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành, nhiều đồng chí được giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội sau này.


Cũng theo ông Hưng: Dù kinh qua các vị trí công tác, từ Trung đội trưởng đến Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 921, rồi Tư lệnh Binh chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Không quân cho đến khi là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đào Đình Luyện luôn thể hiện là một vị tướng khiêm tốn, giản dị, tên tuổi của ông gắn liền với những bước trưởng thành của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Điều đặc biệt, dù xa quê từ nhiều năm nhưng ông là người nặng tình với quê hương. Khi còn công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, lúc cuối đời, mỗi khi về thăm quê, ông đi khắp làng trên xóm dưới gặp gỡ các cụ già hỏi thăm tình hình sức khỏe cũng như gặp gỡ cán bộ xã nói chuyện thời sự. Đối với con cháu, ông đã rèn cho chúng tôi tính kỷ luật quân đội ngay từ tấm bé. Ông sống giản dị, thường kể cho chúng tôi nghe chuyện chiến trường.

Tất Đạt

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)