Thứ 4, 03/07/2024, 21:26[GMT+7]

Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh (Kỳ 2)

Thứ 3, 14/01/2020 | 07:52:11
1,836 lượt xem
Vừa mới thành lập, Đảng bộ Thái Bình đã phát động, lãnh đạo phong trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trong toàn tỉnh, điển hình là hai cuộc biểu tình “long trời lở đất” của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng (ngày 1/5/1930) và nông dân Tiền Hải (ngày 14/10/1930), đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng những năm 1930 -1931 của Đảng.

Ngày 3/2/1930, hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (tại Hương Cảng, Trung Quốc) đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước. Để tăng cường sức chiến đấu của Đảng bộ, đồng thời để mỗi đảng viên thành một hạt nhân lãnh đạo quần chúng, Đảng bộ Thái Bình đã đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng và tổ chức; tiến hành giác ngộ tinh thần đấu tranh, tập hợp sức mạnh của quần chúng chống lại thực dân, phong kiến; tổ chức mít tinh giải thích cho cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng thông suốt chủ trương hợp nhất Đảng.

Hưởng ứng cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước do Trung ương Đảng phát động nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tỉnh ủy Thái Bình đã phát động một cuộc đấu tranh lớn chưa từng có nhằm biểu dương sức mạnh của quần chúng, giải quyết một số yêu cầu cấp bách của đời sống nhân dân, phản đối hành động đàn áp dã man của thực dân Pháp. Lực lượng chính và mũi nhọn cuộc biểu tình giao cho Chi bộ Thần - Duyên (Tiên Hưng - Hưng Hà). Đêm ngày 30/4/1930, truyền đơn được rải ở rất nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng. Sáng sớm ngày 1/5/1930 (ngày Quốc tế Lao động), tiếng trống hiệu lệnh vang lên tại các làng thuộc Liên Chi bộ Thần - Duyên như giục giã mọi người lên đường. Hôm ấy đúng ngày diễn ra phiên chợ Khô (xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng) nhưng khác với những phiên chợ trước, hôm ấy người dân kéo về chợ đông nghịt. Đây cũng là địa điểm để tập hợp các nhóm quần chúng của hai huyện Tiên Hưng và Duyên Hà tổ chức tuần hành biểu tình, vượt qua bến đò Thọ Vực (xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng) đến thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình). Sau bài diễn thuyết của đồng chí trong Ủy ban lãnh đạo đấu tranh, đồng chí Trần Đăng Lộc dẫn đầu đoàn biểu tình giương cao lá cờ đỏ búa liềm, tiếp đó là hai người mang tấm biểu ngữ có dòng chữ: “Bắt Pháp đế quốc phải giảm thuế, giảm sưu/Năm nay cho cấp thóc gạo cho dân (năm nay)/Tha những người bị bắt ra/Triệt đội quân tuần tiễu về/Đền tiền các làng bị phá/Để tự do đi lại và hội họp”. Dưới biểu ngữ có ghi rõ dòng chữ: “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đoàn biểu tình đông gần 1.000 người đeo băng giấy viết khẩu hiệu “Ngày 1 - 5 vạn tuế”, vừa đi vừa rải truyền đơn và hô vang khẩu hiệu. Trong lúc đoàn biểu tình đang hừng hực khí thế tiến về thị xã Thái Bình thì quần chúng nhân dân của hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì từ các ngả cũng kéo về tập trung, chờ phối hợp tiến vào các công sở đấu tranh. Tình hình thị xã Thái Bình trở nên hỗn loạn, các công sở đều đóng cửa. Tuy nhiên, đoàn biểu tình đã bị địch chặn lại ở cống Sinh (cách thị xã 3km), chúng dùng súng chống lại quần chúng nhân dân rất dã man, nhiều người bị thương, bị địch bắt giải đi. Đến khoảng 11 giờ trưa, đoàn biểu tình buộc phải tan rã. Các lực lượng quần chúng chờ sẵn ở tuyến sau cũng bí mật giải tán, riêng quần chúng nhân dân huyện Vũ Tiên chuyển sang hình thức đấu tranh mới, kéo vào huyện lỵ đòi phát hoàn công đắp đê, đắp đường và tố cáo thực dân Pháp, địa chủ đặt ra sưu cao, thuế nặng, đẩy nông dân vào cảnh lầm than, khổ cực.

Mặc dù cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà không đạt được thắng lợi như mong muốn nhưng qua đó đã khẳng định sức mạnh đoàn kết, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là tín hiệu mở đầu cho các phong trào đấu tranh trong những năm tháng tiếp theo của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930.

Cây đa ở xã Hoa Lư (Đông Hưng) - nơi diễn ra cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930.

Sau ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1/5/1930, phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước phát triển nhanh chóng, trở thành cao trào với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thực hiện chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình đã phát động phong trào đấu tranh nhằm “chia lửa” với công nông Nghệ Tĩnh, chọn Tiền Hải, nơi có tổ chức đảng và tổ chức quần chúng phát triển mạnh làm ngòi nổ, mở đầu cho phong trào đấu tranh ở Thái Bình. Ngày 7/10/1930, hội nghị đảng viên được triệu tập tại nhà đồng chí Vũ Nhu (thôn Nho Lâm) để thảo luận nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh; quyết định lấy ngày 14/10/1930 làm ngày mở đầu cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Hải, đồng thời cử ban lãnh đạo đấu tranh, các ban chuyên môn gồm: ban tự vệ, ban giao thông, diễn thuyết, làm cờ, khẩu hiệu, truyền đơn... 5 giờ sáng ngày 14/10/1930, tiếng trống làng Nho Lâm nổi lên, tiếp đó là tiếng trống ở Đông Cao, Thanh Giám cùng với tiếng loa kêu gọi, tiếng pháo nổ như hiệu lệnh tập hợp quần chúng ba đoàn biểu tình của ba làng hợp lại thành một đoàn gồm hơn 700 người. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Ái, đoàn biểu tình rầm rộ tiến về phía huyện đường Tiền Hải. Một người giương cao lá cờ đỏ búa liềm lớn dẫn đầu đoàn biểu tình. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, thu hút thêm được nhiều người trên dọc đường tham gia. Đoàn biểu tình đến gần cổng huyện thì bọn quan lại hoảng sợ đóng sập cổng lại. Tri huyện Phan Duy Tiếp bỏ công đường lẩn trốn. Trong huyện chỉ còn lại tên lục sự Bế Văn Khánh và 16 lính cơ. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh quyết liệt của quần chúng cách mạng, Bế Văn Khánh đã hạ lệnh cho đội lính cơ bắn vào đoàn biểu tình song binh lính chỉ bắn chỉ thiên (do chúng đã được ta tuyên truyền từ trước). Trong khi đó, khí thế đoàn biểu tình mỗi lúc một tăng, nhân dân ào ạt tiến vào đòi mở cổng huyện đường, đòi chấp nhận yêu sách... Trước áp lực của đoàn biểu tình, Bế Văn Khánh rút súng dọa đội lính cơ, bắt nổ súng vào đoàn biểu tình làm 8 người chết, 13 người bị thương. Anh Lương Văn Sảng, một trong những quần chúng tích cực của Đảng bị thương nặng, trước lúc hy sinh anh còn hô: “Đảng Cộng sản Việt Nam vạn tuế”. Địch tiến hành khủng bố đoàn biểu tình, chúng bắt 40 người, trong đó có 6 đảng viên và đồng chí Phan Ái - người chỉ huy cuộc biểu tình. Đến 10 giờ trưa, cuộc biểu tình giải tán. Ngay sau khi được tin cuộc biểu tình nổ ra, Tổng đốc Vi Văn Định, Chánh mật thám Sô-đa, Thanh tra Ri-gan cùng một tiểu đoàn lính khố xanh đã từ tỉnh kéo về. Chúng vừa lùng sục khu vực diễn ra biểu tình vừa cho lính chặn các ngả đường lục soát giấy tờ để tìm bắt những người tham gia. Tàn bạo hơn, chúng ra lệnh hành hạ thi thể những đồng chí đã hy sinh và chôn trong cùng một huyệt. Hai ngày sau chúng lại ra lệnh đào lên chụp ảnh nhận dạng. Nhằm triệt hạ tận gốc mầm mống cách mạng, chúng tiến hành khủng bố trắng dã man tại ba làng Nho Lâm, Đông Cao, Thanh Giám cũng như các làng phụ cận, bắt 78 người, trong đó có 33 đảng viên, 8 phụ nữ. Đồng chí Phan Ái bị treo ngược lên cây thị trước đình Nho Lâm, bị chúng đánh đập, tra khảo dã man nhưng đã không khuất phục được tinh thần, ý chí của người cộng sản. Đồng chí không một lời khai báo, trước sau bọn địch chỉ nhận được câu trả lời: “Tất cả công việc xảy ra đều do tao làm, tao chỉ huy, việc chúng tao làm là chính nghĩa, chúng mày không cần phải hỏi”.

Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải đã gây tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Xứ ủy Bắc Kỳ đã kịp thời phát động phong trào toàn xứ đấu tranh phản đối thực dân Pháp khủng bố trắng phong trào nông dân Tiền Hải. Công nhân Hòn Gai, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương đã liên tiếp rải truyền đơn hưởng ứng và tố cáo tội ác của giặc đối với nông dân Tiền Hải. Hơn 300 nông dân Ngọc Lũ, Bình Lục (Hà Nam) đã tiến hành biểu tình, diễn thuyết vào ngày 20/10/1930 để ủng hộ công - nông Nghệ Tĩnh và nông dân Tiền Hải.

Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 ở Tiền Hải cùng với các cuộc đấu tranh của nông dân Kiến Xương, Thư Trì, Thái Ninh, Duyên Hà, Tiên Hưng... không chỉ đưa Thái Bình trở thành một trong những nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ như đánh giá của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 18/11/1930 mà trên thực tế nó còn là sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt, đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào nông dân Bắc Kỳ từ khi có Đảng lãnh đạo. Trong thư gửi các cấp bộ đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã khẳng định: “Cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải (Thái Bình) có thể là bước đầu hết thảy công nông quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc Kỳ”.


Ông Nghiêm Xuân Thố, đảng viên 73 năm tuổi đảng, thôn Vị Giang, xã Chí Hòa (Hưng Hà)
Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà do Liên Chi bộ Thần - Duyên lãnh đạo nổ ra vào ngày 1/5/1930, khi đó tôi lên 9 tuổi. Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chịu sự đàn áp dã man của thực dân Pháp nhưng đây lại là sự kiện gây tiếng vang lớn, tạo ra làn sóng biểu tình của nông dân khắp các địa phương trong tỉnh. 90 năm đã trôi qua, vùng đất cách mạng Chí Hòa quê tôi đã đổi thay nhiều nhưng dấu xưa về Đình Nhuệ, Trường Vị Sỹ, con đường cách mạng vẫn còn đó càng minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi đất nước còn chìm đắm trong đô hộ, chiến tranh cho đến những thành tựu to lớn đã đạt được hôm nay.

Cựu chiến binh Nguyễn Tằng, đảng viên 72 năm tuổi đảng, thôn Đoài, xã Tây Giang (Tiền Hải)
Tôi sinh ra cũng là khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và cũng là khi có Đảng lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải được ví như Xô Viết Nghệ Tĩnh của Thái Bình trong giai đoạn cách mạng 1930 - 1931. Cũng chính cái nôi cách mạng này đã hun đúc, dung dưỡng tôi phấn đấu, nỗ lực hết mình để được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn quê hương vươn mình đổi mới hôm nay không thể quên công lao to lớn, sự hy sinh xương máu của lớp lớp người con quê hương. Tôi mong muốn thế hệ trẻ Tiền Hải nói riêng, Thái Bình nói chung tiếp tục phấn đấu, kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày