Chủ nhật, 24/11/2024, 14:53[GMT+7]

Thất hoàng Thái Lăng

Thứ 2, 20/01/2020 | 09:04:54
5,103 lượt xem
Sử cũ chép: Chiến thắng oanh liệt mùa hè 1285 của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII ở đồn A Lỗ, cung Lỗ Giang (nay là xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) mở đầu cho chiến dịch Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết... giải phóng kinh thành Thăng Long thoát khỏi sự xâm lăng bạo tàn của quân Nguyên Mông. Tại cung Lỗ Giang, nhà Trần đã cho xây dựng đền Thái Lăng làm nơi ngự giá và an nghỉ của bảy đời vua...

Đền Thái Lăng trong hành cung Lỗ Giang, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà thờ bảy vị vua triều Trần.

Gần một thiên niên kỷ qua đi, đền Thái Lăng trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử với các tên gọi như Lỗ Giang, Thái Lăng, An Lăng... Sách Đại Nam nhất thống chí khẳng định: “Đền Thái Lăng thờ bảy vị vua triều Trần ở xã Thâm Động, tổng Thượng Hộ, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà). Tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) lại gọi đền Thái Lăng là “Đền bảy vua Trần ở huyện Diên Hà”. Đặc biệt, trong cuốn “Thái Bình phong vật chí” của quan Tổng đốc Nam Định Phạm Văn Thụ có ghi: “Ở xã Thâm Động, huyện Diên Hà có ngôi mộ thiêng của Trần Huệ Tông, cạnh đó có miếu thờ bảy đời vua Trần...”.


Trong chuyến điền dã về bến Thượng Hộ (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) sưu tầm tài liệu về những trận thủy chiến oanh liệt của quân dân nhà Trần trong các cuộc phản công tiêu diệt quân đội đế quốc Nguyên Mông xâm lược thế kỷ XIII, đặc biệt là trận chiến tiêu diệt tướng giặc Vạn hộ Lưu Thế Anh mà sử sách còn ghi “xác giặc tắc nghẽn dòng Thượng Hộ, máu quân thù nhuộm đỏ những dòng sông”, tôi được cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hiển, 82 tuổi, thôn Đồng Lâm, xã Hồng Minh kể cho nghe nhiều sự tích, điển cố, địa danh có liên quan đến cuộc chinh chiến oanh liệt của quân đội nhà Trần thế kỷ XIII ở Lỗ Giang. Ông cho biết, trên cánh đồng Thiên Mã, xóm Nỏ, xóm Nang (thuộc thôn Đồng Lâm và Phú Nha) có thửa ruộng cao hơn những thửa ruộng xung quanh khoảng “cái đầu gối”, tương truyền đây là nơi buộc voi chiến, ngựa chiến của vua Trần Nhân Tông trong trận chiến Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử... Cánh đồng thôn Phú Nha vẫn còn dấu tích thửa ruộng khoảng 1ha nhô hơn “vàn cao” tầm “nửa mét” mà khi canh tác bà con nông dân vẫn thường xuyên “bới” phải những mảnh ngói, gạch đất nung có in hình rồng, hình phượng... dân gian gọi là cánh đồng Lăng Ngói. Ngoài ra, cánh đồng nằm ở phía Đông của Thái Lăng vẫn còn nhiều dấu tích cổ xưa như gạch, ngói, chũm, chọe, âu sành đất nung vương vãi, dân gian gọi là cánh Phủ, ao Phủ, đường Phủ... 

Theo lời kể của các bậc đại lão làng Phú Nha, xưa kia đây là “xưởng sản xuất” gạch, ngói... đất nung phục vụ công việc xây cất đền Thái Lăng của các vua Trần. Trong trí nhớ của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hiển, thời còn trai trẻ chưa gia nhập quân ngũ ông từng theo thân phụ ra cánh bãi bên dòng Trà Lý trồng trọt hoa màu, thấy có những thửa đất vuông vức, liền kề nhau, mỗi khu đất rộng khoảng 1ha, mặt phẳng cao hơn bình địa khoảng gần 1m. Trên khoảng đất ấy, tre nứa mọc um tùm; thân tre, thân nứa có gióng dài, màu phấn trắng, măng hái về ăn rất ngọt. Các cụ truyền lại rằng đấy là đất an táng lăng mộ bảy vị vua Trần. 

Theo các nguồn khảo luận, sử liệu đền Thái Lăng (thôn Phú Nha, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) thờ 7 vị tiên đế triều Trần là: Trần Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Sử cũ chép: Thượng Hoàng Trần Thái Tổ sinh năm Giáp Thân (1184), làm quan thừa tướng đời Lý Huệ Tông. Sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, Thái Tổ nhiếp chính giúp vua gây dựng vương nghiệp nhà Trần. 7 vị tiên đế triều Trần được thờ tại đền Thái Lăng đều là những vị vua anh minh trong lịch sử triều Trần. 

Theo các nhà nghiên cứu, vị trí xây dựng đền Thái Lăng (ngay trong khu di chỉ khảo cổ hành cung Lỗ Giang) càng khẳng định: Xưa kia Thái Lăng là nơi nhà Trần xây dựng cung Lỗ Giang, đồn A Lỗ dựng nghiệp đế vương và cũng là nơi yên nghỉ của 7 vị tiên đế cùng Hoàng Hậu nhà Trần. Khảo cứu di tích đền Thái Lăng qua các tài liệu và sử cũ cho thấy, tháng 7 năm Canh Thân (1320), vua Trần Anh Tông (1276 - 1320) còn gọi là Thái tử Trần Thuyên mất ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường (thành phố Nam Định nay), sau đó vua Minh Tông đưa thi hài nhà vua về an táng tại Thái Lăng (xã Thâm Động, tổng Thượng Hộ, phủ Kiến Xương), vua cho xây dựng lăng miếu thờ vua Trần Anh Tông cùng các vua trần quá cố. Từ nhiều đời, các cụ thượng lão làng Thâm Động truyền ngôn cho cháu con rằng, đền Thái Lăng to, đẹp không kém gì cung Long Hưng. Năm 1470, giặc Minh tràn sang xâm lược Đại Việt đã tàn phá Thái Lăng. Đến thời Lê, các vua Lê đã cho xây dựng lại Thái Lăng to đẹp ngang bằng thuở ban đầu. Di tích Thái Lăng được gìn giữ từ thời Lê đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và được Viện Viễn Đông Bác cổ ghi chép, lập hồ sơ xếp hạng gồm diện tích gần 5.000m², có đủ tắc môn, hoành mã đắp rồng, đắp phượng. Có 3 cung, 3 tòa, 13 gian. Có tả vu, hữu vu, mái cong đắp long, phượng, đao đắp rồng, điện vũ 7 cung thờ và nhiều đồ tế khí (Hiện chỉ còn hai cỗ ngai thờ bài vị do nhân dân cất giữ khi giặc Pháp xây dựng bốt Tịnh Xuyên, bốt Phú Nha, Phú Hậu và tràn vào làng và đốt phá Thái Lăng).

Vua Trần Anh Tông sinh năm Bính Tý (1276), con trưởng của vua Trần Nhân Tông. Năm 1293, sau khi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 kết thúc, vua Trần Nhân Tông lui về làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho Trần Anh Tông.  Năm Canh Tý (1300) cách đây vừa tròn 720 mùa xuân, thời điểm Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trọng bệnh, vua Trần Anh Tông thân hành đến vấn an sức khỏe Quốc Công nhân đó hỏi Quốc Công về kế sách giữ nước. Quốc Công nhắn nhủ: “Nới sức dân là kế sâu rễ, bền gốc. Thời trước Lê Đại Hành đã biết đắp thành Bình Lỗ mà phá được giặc Tống”. Trần Anh Tông đã nghe theo kế sách của Hưng Đạo Vương cho xây đồn A Lỗ, cung Lỗ Giang mà bảo toàn quốc gia.


Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hiển, 82 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Thôn Đồng Lâm có tên nôm là Nấm, trước đó xã Thâm Động có 4 thôn là Nấm, Nang, Nỏ, Nhội, tất cả đều là di tích nhà Trần xưa ở A Lỗ, Lỗ Giang gắn với chiến tích đánh thắng giặc Nguyên Mông ngay từ trận chiến mở đầu cho chiến dịch Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết... Theo các cụ truyền lại, cửa Tuần Vường hiện nay chính là cửa A Lỗ của cung Lỗ Giang, sông này chảy qua làng Cổ Trai nay. Xưa trong đền Thái Lăng có chiếc giếng rộng bằng cái nia, bỏ quả bưởi vào giếng một lát là trôi ra cửa A Lỗ.

Ông Vũ Văn Quỳ, cựu giáo chức, thôn Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Còn bé tôi vẫn được nghe các cụ kể lại chuyện đánh giặc phương bắc xâm lược của các vua Trần trên đất A Lỗ. Cái tên A Lỗ hay Lỗ Giang có từ thời nhà Trần đánh giặc, bởi dân làng tôi từ cổ xưa vẫn sống nhờ nguồn nước của dòng sông Giai mà xưa gọi là Lỗ Giang (đọc chệch thành Giai) chảy qua làng. Sau gần một thiên niên kỷ, do phù sa bồi đắp mà dòng sông Giai giờ nhỏ lại như một dòng kênh.

Bà Nguyễn Thị Phiên, thủ từ đền Thái Lăng, thôn Phú Nha, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Gia đình tôi 4 đời làm thủ từ đền, từ cụ nội, ông nội, bố tôi và tôi đều tự nguyện làm công việc trông coi, giữ gìn ngôi đền cổ linh thiêng. Mặc dù bị giặc ngoại xâm phá hoại nhưng người dân Hồng Minh chúng tôi đã gom góp công của dựng lại ngôi đền nhỏ thờ 7 vị vua triều Trần cùng các Hoàng Hậu trên nền di tích cung Lỗ Giang cổ xưa ngổn ngang gạch, ngói đất nung thời Trần.


Quang Viện