Chủ nhật, 22/12/2024, 18:48[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 20/01/2020 | 10:21:45
1,371 lượt xem

Ảnh minh họa.

Ông Chỉnh gặp đồng chí bộ đội, nhận bức thư có mấy chữ bút chì viết vội:
“Đề nghị cho cấp tốc đánh phối hợp, phân tán hỏa lực giặc”.
Chuẩn
Ông Chỉnh nhận rõ dạng chữ của Chuẩn, chính trị viên C.88. Ông nghĩ ngay tới trận đánh cách đây mười hôm. Trận đánh phối hợp làm nổi tiếng tăm du kích làng Nguyễn. Từ khi giặc đánh đến nay đã qua tám tháng, làng Nguyễn có ba cái nổi. Thứ nhất, không cho cuộc hành quân Ton-nô của giặc qua làng. Thứ hai, kiên quyết chống giặc càn quét Bô-phơ-rê, không chịu lập tề. Thứ ba, đánh nghi binh phối hợp với làng Khuốc. Hai việc trước là nhờ trí lực của tập thể. Việc sau cũng là công sức của anh em nhưng mưu mẹo là của ông, được tỉnh, huyện khen ngợi... Bây giờ C.88 yêu cầu. Chắc bên ấy gặp khó khăn. Phải phối hợp đánh một trận ra trò.
Ông Chỉnh gọi ngay mấy cán bộ lại phân công. Vừa lúc Duyệt ở cổng Bắc tới.
Nghe ông Chỉnh nói, Duyệt đắn đo:
- Phối hợp đánh là cần. Nhưng đề phòng nó bất thình lình quật lại. Lần này quân nó đông.
Ông Chỉnh đang phấn chấn hăng hái, thấy Duyệt đắn đo, ông ngạc nhiên. “Sao cậu này lại thế nhỉ. Anh em sắp ra trận, đáng lẽ cậu ta phải làm cho họ hăng lên. Hay là... cậu ta cho là mình không bàn bạc tập thể, để sau này riêng mình nổi lên”... Nuốt khan một cái, ông nói:
- Lần trước, tôi lấy quyền chỉ huy ở cổng này để quyết định đánh. Lần này, là vì anh Duyệt ở cổng Bắc, anh Tuyền ở cổng Đông. Bên kia các đồng chí ấy lại đề nghị cấp tốc, nên tôi phải khẩn trương cho đánh. Chứ không phải là... cá nhân quyết định gì đâu. Bây giờ anh Duyệt ở đây, có gì anh tham gia ngay cho. Tình hình bên kia là gay go rồi đấy.
Thấy giọng nói của ông Chỉnh mỗi lúc một căng, Duyệt ngài ngại. Vốn tin và nể ông Chỉnh, Duyệt không muốn ông phải khó chịu về mình... Duyệt hạ giọng:
- Vâng, là tôi nói đề phòng như vậy. Còn bác cứ phân công anh em...
Không bàn bạc gì nữa. Ông Chỉnh cho một tiểu đội du kích bí mật tiến theo con ngòi ven đường 39 sang gần phố Tăng. Khẩu trung liên của tổ bộ đội 88 phục ở miếu âm hồn. Trù được phân công thổi kèn “tiến” khi tiểu đội du kích tiếp cận giặc... “Đã có kinh nghiệm trận trước, cứ mạnh tay mà làm” - Ông Chỉnh tự bảo mình.

21


Quất đứng giữa nhà, hai ngón tay cầm lọ Pê-ni-xi-lin dứ dứ trước mặt Tuyền:
- Anh phải tiêm... mười lọ thế này nữa mới khỏi!
- Thôi! Tôi không tiêm nữa đâu! Đau bỏ bố đi! - Tuyền nhăn mặt lại.
- Ông này khiếp đau rồi! Đau cũng phải tiêm! - Quất nói như ra lệnh.
Tuyền nằm một lúc rồi ngoái đầu ra:
- Nói chứ tôi không sợ đau đâu. Vết thương tôi gần kín miệng rồi. Để dành thuốc...
Tuyền nghĩ đến Mịch, bị mảnh moóc xể mông, đau chẳng kém Tuyền. Rồi hôm xưa, bốn chiếc cổ ngỗng đến ném bom hai đợt, rải rác từ đầu đến cuối làng Nguyễn. Chết mất bà Chỉnh với hai em bé. Thêm mười bốn người nữa bị thương. Thuốc men hiếm như vàng. Phải xoay tiền Đông, vào tận thị xã mới mua được. Đưa ra không khéo bị giặc bắt. Nó bảo chỉ có Việt Minh đánh nhau bị thương mới cần pê-ni-xi-lin.
Quất vừa chọn kim tiêm vừa nói:
- Anh phải tiêm cho chóng khỏi còn làm việc. Bà Bát đã khơi được luồng rồi! Lấy ngay từ kho thuốc của lính Tây. Thế có chơi không?
Quất cười “hi hí” rồi xuống bếp nấu nước. Cô hỏi vọng lên nhà:
- Anh Tuyền! Sáng nay chị ấy có về không? Bếp lạnh ngoeo ngoéo thế này?
- Có. Hôm nào cũng về, nhưng khiếp lại đi ngay.
- Vợ ông chính trị viên mà cầu an bỏ mẹ! - Quất ca cẩm.
Tuyền lắng nghe. Lời chê của Quất làm anh vui vui. Đám nữ thanh niên làng này, trừ Nuôi và dăm ba cô lạc hậu, còn lại đều tiến bộ. Tám tháng vật lộn với giặc mấy trận ác liệt, ai dẻo dai vững vàng, ai hoang mang khiếp nhược đã rõ. Sau trận 19 tháng tám vừa qua, chi bộ kết nạp thêm bốn đảng viên mới, có Dâu và The. Nay mai, thanh niên lần lượt tòng quân, việc ở nhà phụ nữ phải đứng lên gánh vác.
Quất bưng niêu nước ra toan nhúng ống tiêm, vội dừng lại, trán cau cau:
- Niêu mới chưng mắm tôm hay sao thế này? Bọt sủi lấm tấm... Thật sạch chứ! Anh bảo đảm nhá! Tiêm áp-xe, bắp tay sưng bằng cây chuối hột, em không chịu trách nhiệm đâu nhá!
Tiêm xong, Quất rót nước nóng vào chai cho Tuyền chườm.
Thu ống tiêm vào túi, khoác lên vai, Quất ra đến sân, vụt quay trở lại. Cô ngồi ghé cạnh giường Tuyền, hỏi nhỏ:
- Nghe nói chi ủy phân công anh Chuyển đi đâu, phải không anh?
- Sao cô biết?
- Em nghe thấy vậy.
- Các cô chỉ bép xép, lộ bí mật!
- Là... em hỏi vậy thôi. Chưa chi anh đã phê bình.
Quất gạt mấy sợi tóc lòa xòa trước mắt, luôn thể che mặt đỡ thẹn.
Chợt nhớ ra một câu chuyện khác, Tuyền bảo Quất:
- À này! Các cụ lão bà vừa phân công nhau nhận du kích làm con. Tùy sức từng cụ, nuôi anh em được đến đâu, còn quỹ xã phải bỏ thêm. Có cụ nhận nuôi hẳn một anh đấy. Còn cậu Chuyển, các cụ dành riêng... cho cô.
Quất đập vào tay Tuyền, đứng rột dậy:
- Anh bảo em là lão bà à? Em chả nuôi anh ấy đâu!
- Tức là... dành cho... nhà cô.
- Thì anh bàn với dì em chứ!
Quất nói rồi vịn cột nhà tần ngần nhìn ra sân... Anh Chuyển bây giờ không còn mẹ già để nhờ cậy. Bà mẹ nghèo nhưng kiếm được cái gì đều chi chút cho con giai. Có khi đi chợ còn mua cho củ khoai, gióng mía. Nay bà bị bom đạn cướp đi, Chuyển thiệt thòi nhất. Các anh ấy dành cho nhà Quất đỡ đầu Chuyển cũng phải. Trước sau cũng thành con cái trong nhà. Bố Quất chắc là nhận ngay. Nghe nói ngày còn nhỏ, ông Chỉnh với bố Quất chơi thân với nhau như Chuyển với Quất bây giờ. Lớn lên, bố Quất được ông bà để lại cho vài mẫu ruộng, cùng mẹ Quất bỏ sức ra làm lụng. Được mùa mấy vụ liền, thóc chứa vào nhà hàng trăm thùng. Đến năm Dậu, thóc cao gạo kém, bỏ ra bán lấy tiền mua thêm tư điền. Vút một cái, nhà Quất có hàng chục mẫu, thuê người làm, phát canh thu tô... Ông Chỉnh thì lang thang nay đây mai đó, nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Cách mạng thành công, ông trở thành cán bộ, lôi cuốn bố Quất vào họp hành, công tác. Bây giờ Chuyển gặp bước không may, chắc là bố Quất, dì Quất sẽ nhận giúp đỡ Chuyển.
- Cô Quất này! - Tuyền vừa lăn chai nước nóng vào bắp tay vừa gọi Quất, mắt không nhìn lên.
- Dạ! - Quất giật mình quay lại.
- Nhân tiện nói kỹ với cô. Cảnh nhà Chuyển bây giờ là khó khăn đấy. Bà Chỉnh tai nạn. Huyện có ý điều ông Chỉnh lên công tác Nông hội. Vì ông nhiều tuổi, làm việc ở xã vất vả lắm... Chuyển được giao công tác nặng hơn trước, bố đi vắng, mẹ không còn, cậu ấy cần có chỗ dựa... Cô xem thế nào, hay là... Tổ chức đi...

(còn nữa)

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình