Thứ 7, 23/11/2024, 02:07[GMT+7]

Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả

Thứ 4, 22/01/2020 | 11:48:23
3,761 lượt xem
Xác định việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó nhưng là việc cấp thiết phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, bước đầu góp phần khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo, ì ạch, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Diện mạo nông thôn mới của thôn Phất Lộc Tiến, xã Thái Giang (Thái Thụy).

Thu gọn đầu mối

Xã Thụy An và xã Thụy Tân đều nằm trong các xã phải thực hiện sáp nhập của huyện Thái Thụy do diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định. Do 2 xã nằm ở vị trí tiếp giáp nhau, có nhiều nét tương đồng về văn hóa truyền thống nên được sắp xếp sáp nhập thành 1 đơn vị hành chính (ĐVHC) mới, lấy tên là xã An Tân, trụ sở ĐVHC mới đặt tại trụ sở UBND xã Thụy An hiện nay. 

Đồng chí Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết: Xác định việc sắp xếp ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, bảo đảm hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì vậy ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng kế hoạch, lộ trình sáp nhập cụ thể; đồng thời, tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tích cực tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc sáp nhập. Nhờ vậy, đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đều đồng tình với việc sáp nhập. Trong tổng số 2.296 cử tri của toàn xã có đến hơn 99% cử tri đồng ý với phương án sáp nhập.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 47 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (trong đó 33 ĐVHC cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% quy định thuộc diện phải sắp xếp; 11 đơn vị có vị trí liền kề đơn vị phải sắp xếp; 3 đơn vị diện khuyến khích sắp xếp) để thành lập 21 ĐVHC cấp xã mới, giảm 26 ĐVHC cấp xã; giảm 546 cán bộ, công chức cấp xã, 468 người hoạt động không chuyên trách sau khi thực hiện sắp xếp; ước giảm kinh phí chi thường xuyên hàng năm gần 54 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện và hoàn chỉnh quy trình hồ sơ, đề án sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố; giải thể thôn; đổi tên tổ dân phố tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, thành phố. Sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố giảm 280/2.077 thôn, tổ dân phố (13,5%, trong đó giảm 46 thôn, 234 tổ dân phố); giảm 2.419 người gồm 840 người hoạt động không chuyên trách và 1.579 người hưởng phụ cấp công tác ở thôn, tổ dân phố. Sau sáp nhập thôn, tổ dân phố, mỗi năm ngân sách tiết kiệm gần 21 tỷ đồng.

Theo đồng chí Vũ Thị Hằng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy: Cùng với việc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và sáp nhập thôn, tổ dân phố có quy mô không bảo đảm theo quy định, thời gian qua, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn tỉnh đã giảm 1 tổ chức hành chính cấp tỉnh; 14 phòng và tương đương trực thuộc sở, ngành; 13 phòng thuộc chi cục; 263 đơn vị sự nghiệp công lập (khối Đảng, đoàn thể 2 đơn vị; khối nhà nước 261 đơn vị); 81 khoa, phòng, bộ phận thuộc trung tâm; sự nghiệp giáo dục đào tạo giảm 222 đơn vị; sự nghiệp văn hóa giảm 16 đơn vị; sự nghiệp y tế giảm 13 đơn vị, sự nghiệp khác giảm 12 đơn vị. Chuyển đổi 3 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh thành công ty cổ phần. Nhìn chung, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương bước đầu được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được phân định rõ ràng; không hình thành khâu trung gian; tách bạch chức năng quản lý nhà nước của tổ chức hành chính với nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được kiện toàn, sắp xếp hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng. Việc xây dựng vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với quyết tâm cao.

Giảm con người

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm số người phục vụ trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là khối văn phòng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế (từ năm 2015 đến năm 2021) trong các cơ quan đảng; MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh, xác định tỷ lệ tinh giản đến năm 2021 đạt tỷ lệ 10,5%. Căn cứ kế hoạch tinh giản biên chế đã được phê duyệt, hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế theo tỷ lệ quy định. Toàn tỉnh đã giảm 1.890 biên chế so với số biên chế được giao năm 2015 và tiếp tục trình HĐND tỉnh giảm 943 biên chế. Như vậy, tổng số biên chế giảm đến hết năm 2019 là 2.833 biên chế. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các vị trí công chức khuyết thiếu, toàn tỉnh giảm được 640 cán bộ, công chức cấp xã (giảm 11% so với tổng số biên chế cán bộ, công chức cấp xã) tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trên 36 tỷ đồng/năm do không phải thực hiện chi trả lương, phụ cấp công vụ, chi đóng BHXH, BHYT cho 640 biên chế. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai thực hiện kiện toàn chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tại 8/8 huyện, thành phố; thực hiện mô hình trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện tại 4 huyện; thực hiện không giao biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, đã giảm 138 biên chế...

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh thời gian qua đã phần nào khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo trong tổ chức bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.


Ông Nguyễn Văn Yên, Bí thư Chi bộ thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc (Thái Thụy)

Xã Thụy Phúc là đơn vị phải thực hiện sáp nhập với xã Thụy Dương do không bảo đảm quy mô về dân số và diện tích theo quy định. Xác định việc sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nên cán bộ, đảng viên trong xã đều đồng thuận rất cao. Nguyện vọng của chúng tôi sau khi sáp nhập là đội ngũ cán bộ lãnh đạo của xã mới phải là những người thực sự có năng lực, có trách nhiệm với nhân dân để tiếp tục lãnh đạo địa phương duy trì và phát huy được những thành tích đã đạt được.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tây Tiến (Tiền Hải)

Trước khi thực hiện sáp nhập với Trường Tiểu học Tây Tiến, Trường THCS Tây Tiến chỉ có 6 lớp học song bộ máy hoạt động vẫn đầy đủ từ ban giám hiệu nhà trường đến các bộ phận hành chính, điều này phần nào gây lãng phí nhân lực và ngân sách. Sau khi sáp nhập 2 trường đã giảm 1 cán bộ quản lý, 1 kế toán, 1 văn thư; ngoài ra còn tận dụng hiệu quả một số giáo viên bộ môn như Tiếng Anh, Mỹ thuật luân chuyển phụ trách hai cấp học. Số cán bộ dôi dư được huyện cân đối luân chuyển sang đơn vị khác. Có thể khẳng định việc sắp xếp các đơn vị trường học bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.


Đào Quyên