Thứ 6, 22/11/2024, 22:50[GMT+7]

Vận động, quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh: Khó khăn, thách thức, nhiệm vụ và giải pháp

Thứ 4, 22/01/2020 | 17:55:22
7,467 lượt xem
Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương và chủ động của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã không ngừng nỗ lực, hợp tác và xúc tiến viện trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) nhằm tăng cường, huy động nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tình nguyện viên của tổ chức Habitat (Hoa Kỳ) tham gia xây dựng nhà cho hộ nghèo tại Thái Bình.

Tại Việt Nam, các tổ chức PCPNN được xác định là các “tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân, hoặc các hình thức tổ chức xã hội, phi lợi nhuận khác, được thành lập theo luật pháp nước ngoài, có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận hoặc các mục đích khác tại Việt Nam”.

Các tổ chức PCPNN đã vào hoạt động tại Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua và có những thay đổi gắn liền với những giai đoạn lịch sử cụ thể của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Kể từ năm 1986, với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, số lượng các tổ chức PCPNN có quan hệ với Việt Nam và giá trị viện trợ ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 500 tổ chức PCPNN đã đăng ký và hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, với tổng giá trị viện trợ giải ngân từ 270 - 300 triệu USD/năm. Hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố, được trải đều trên tất cả các lĩnh vực y tế, giáo dục, các vấn đề xã hội, môi trường...

Có thể khẳng định sự ủng hộ viện trợ của các tổ chức PCPNN đối với nước ta là hết sức quý giá. Tuy nhiên, công tác PCPNN hiện nay đang xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Cụ thể, sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, xu hướng chung là các nhà tài trợ quốc tế sẽ giảm ưu tiên đối với Việt Nam; các nhà tài trợ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã hoặc đang rút khỏi Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nguồn lực cho hoạt động của các tổ chức PCPNN sẽ bị ảnh hưởng, vì một phần nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN đến từ nguồn ODA.

Ngoài ra, hình thức viện trợ PCPNN trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều tổ chức PCPNN không trực tiếp viện trợ cho các đơn vị thụ hưởng tại địa phương như trước đây mà viện trợ thông qua một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam; hoặc xuất hiện hình thức viện trợ mới là cung cấp nguồn vốn PCPNN trực tiếp đến các tổ chức tư nhân mà không thông qua một cơ quan, đơn vị nhà nước nào. Đáng chú ý hơn là ưu tiên viện trợ của các tổ chức PCPNN cũng có xu thế thay đổi khi tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực mới, phi truyền thống như môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực thể chế chứ không còn là viện trợ vật chất đơn thuần như trước đây. Điều này đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý tại địa phương.

Thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; với sự chủ động, tích cực của một số sở, ngành, đơn vị trong tỉnh, công tác PCPNN đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trên nhiều lĩnh vực như: xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, bạo lực gia đình, các vấn đề toàn cầu như phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động thiết thực giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật và đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Thông qua hợp tác triển khai các chương trình, dự án PCPNN, cộng đồng quốc tế đã hiểu biết hơn về Thái Bình, từ đó ủng hộ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển.

Trong 5 năm triển khai Chương trình quốc gia xúc tiến vận động PCPNN giai đoạn 2013 - 2017, các tổ chức PCPNN đã tài trợ cho tỉnh Thái Bình tổng giá trị viện trợ giải ngân đạt 3.770.000 USD. Số chương trình, dự án đạt mức trung bình 15 dự án/năm, tuy nhiên tổng giá trị viện trợ trung bình chỉ đạt mức 750.000 USD/năm. Giá trị viện trợ PCPNN bình quân đầu người tại tỉnh còn thấp, chỉ đạt 0,5 USD/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 3,0 USD/người/năm.

Nguyên nhân cơ bản của hạn chế nêu trên là một số sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh chưa chủ động xây dựng chương trình xúc tiến, vận động viện trợ hàng năm và dài hạn; công tác phối hợp trong vận động, quản lý nguồn viện trợ này đôi lúc chưa đồng bộ và thiếu hiệu quả. Trên thực tế, tại Thái Bình hiện nay, việc phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động PCPNN còn phân tán, chưa thống nhất, giao cho ba đơn vị trong tỉnh phụ trách, cụ thể: Công tác vận động viện trợ PCPNN được giao cho hai đơn vị là Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh; công tác thẩm định, phê duyệt các khoản viện trợ PCPNN được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN được giao cho Sở Ngoại vụ.

Thời gian tới, tuy kinh tế của tỉnh có xu hướng phát triển mạnh mẽ, song vẫn còn không ít khó khăn cần giải quyết như: Số lượng lớn đối tượng người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ; tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất ngày có chiều hướng tăng lên. Trước thực trạng đó, cùng với việc phát huy nội lực của địa phương, tỉnh Thái Bình sẽ tích cực vận động các tổ chức PCPNN, các tổ chức quốc tế chung tay giúp đỡ người dân và các địa phương còn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác vận động và quản lý viện trợ PCPNN trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, thường xuyên phổ biến, quán triệt tới các cấp, các ngành, địa phương các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về công tác quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN, qua đó nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của nguồn viện trợ PCPNN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, đặc biệt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN để nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động và viện trợ của các tổ chức PCPNN, trên cơ sở đó chủ động đăng ký tiếp nhận dự án ở các lĩnh vực địa phương có nhu cầu; gặp gỡ các tổ chức PCPNN có thiện chí, mời đến tìm hiểu, khảo sát nhu cầu viện trợ tại địa phương.

Thứ ba, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN khi đến khảo sát và triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan quản lý nhà nước về viện trợ PCPNN cần xây dựng các cơ chế phối hợp cụ thể; tích cực, chủ động nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có kinh nghiệm làm tốt công tác vận động, quản lý hoạt động viện trợ PCPNN.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát và đánh giá thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ của các tổ chức PCPNN; thống nhất một đầu mối chuyên trách của tỉnh với trình độ, năng lực phù hợp và có kinh nghiệm để thực hiện công tác vận động, thẩm định việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng viện trợ PCPNN tại địa phương.

Thứ năm, thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCPNN để nâng cao trình độ chuyên môn, rút ra bài học kinh nghiệm về công tác vận động, thu hút, quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN để từ đó khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh.

Tư duy về mối quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN đã dần thay đổi từ quan hệ cho - nhận đơn thuần sang quan hệ hợp tác, đối tác trong phát triển. Trên tinh thần đó, tỉnh Thái Bình sẽ triển khai đồng bộ, sáng tạo và linh hoạt các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác viện trợ PCPNN với những cách làm mới, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách thực chất và bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Trần Huy Hải
(Giám đốc Sở Ngoại vụ)